P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM – CÔNG VÀ THỦ
Hôm nay đã sang năm 2017 tròn 2 tuần. Hai tuần lặn lội với những bộn bề cuối năm của doanh nghiệp, tôi thấy ở nhiều doanh nghiệp nhỏ nổi lên ba vấn đề:
➡ Tình hình tài chính
➡ Ước tính nghĩa vụ thuế
➡ Những sai sót kế toán
1. Tình hình tài chính
Trong những ngày này, có nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang đau đầu với số dư tiền. Tiền trên sổ thì lớn nhưng thực có trong két lại nhỏ hơn rất nhiều. Họ rất bận bịu với việc đi đòi nợ và cũng rất mệt mỏi với việc giãn các khoản phải trả. Có những doanh nghiệp rất muốn chăm lo cho nhân viên được một cái tết tươm tất bằng khoản thưởng cuối năm hậu hĩnh. Nhưng nhìn vào số tiền đang có thì lực bất tòng tâm.
Không phải các doanh nghiệp này không bán được hàng. Lượng tiền cuối năm cạn kiệt có một lý do rất phổ biến là không thu hồi được công nợ. Dường như những sốt sắng trong kinh doanh đã khiến doanh nghiệp dễ dãi hơn với điều khoản thanh toán. Và nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro hoặc khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Đó chỉ là một điểm rất nhỏ về tình hình tài chính. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, hiệu quả kinh doanh và dòng tiền được đến đâu hay đến đó. Trong tư duy và nhận thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thiếu đi bóng dáng của 2 chữ “quản trị” hiệu quả và dòng tiền.
Mặc dù đã qua 2 tuần của năm mới, khi hỏi đến kế hoạch kinh doanh năm 2017, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều chưa có. Nếu có thì kế hoạch đó cũng mang tính chủ quan rất cao, chưa gắn với nguồn lực của mình và cũng chẳng mang tính định hướng cho hành động.
2. Ước tính nghĩa vụ thuế
Do không có kế hoạch kinh doanh và không kiểm soát nó, khi kế toán ước tính khoản thuế phải nộp thì nhiều doanh nghiệp mới giật mình.
Như trên đã nói đến việc số tiền trên sổ lớn hơn thực tế vì có rất nhiều khoản chi mà doanh nghiệp chưa phản ánh vào. Tại sao lại như vậy?
Trong thực tế kinh doanh, có những khoản chi không tên và khó nói. Để hoạt động và bán được hàng, rất nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận các khoản chi này. Và không có chứng từ nên kế toán không ghi vào báo cáo thuế. Đây là một nguyên nhân dẫn đến số tiền trên sổ lớn hơn rất nhiều so với số hiện có.
Những khoản chi khó nói thì tạm thời không nói. Nhưng có những khoản chi thực tế, chỉ vì sự tùy tiện trong thực hiện mà không đảm bảo các điều kiện theo quy định của thuế hoặc không đầy đủ chứng từ. Điều này có nghĩa là nó có nguy cơ bị loại ra khi tính thuế.
3. Những sai sót kế toán
Trong một khóa học dành cho CEO, có khoảng 100 chủ doanh nghiệp tham gia mà ở đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi giảng viên khảo sát: có bao nhiêu người từng đọc báo cáo tài chính của công ty mình? Một điều đáng ngạc nhiên là có tới 70% số người chưa từng đọc. Hàng năm, chủ doanh nghiệp chỉ làm một động tác đơn giản là ký vào báo cáo do kế toán trình lên.
Nếu tiếp tục khảo sát sâu hơn bằng các câu hỏi:
– Trong số những người từng đọc BCTC thì có bao nhiêu người hiểu nó nói gì?
– Trong số những người hiểu nó thì có bao nhiêu người nắm được các sai sót và các rủi ro trong báo cáo của công ty mình?
E rằng câu trả lời sẽ không mấy lạc quan!
Báo cáo là sản phẩm cuối cùng của kế toán, chủ doanh nghiệp còn chẳng quan tâm. Vậy những câu hỏi sau thì sẽ như thế nào:
– Doanh nghiệp có quan tâm đến việc tổ chức công tác kế toán không?
– Doanh nghiệp có quan tâm đến việc xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ không?
– Doanh nghiệp có quan tâm đến việc tuân thủ chế độ kế toán và thuế không?
– Doanh nghiệp có quan tâm đến những sai sót kế toán và những rủi ro về thuế không?
Dường như là có rất ít doanh nghiệp nhỏ quan tâm đến những câu hỏi này. Và có khá nhiều doanh nghiệp không biết mình gặp phải vấn đề gì cho đến khi quyết toán thuế. Và vấn đề đó không dễ chịu chút nào.
4. Công và Thủ
Khi tôi tham gia các diễn đàn và group quản trị, các hội thảo và các khóa học dành cho lãnh đạo doanh nghiệp, những câu chuyện về chiến lược, bán hàng, marketing, thương hiệu… luôn là các chủ đề hấp dẫn và lôi cuốn. Và trong thực tế, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều nguồn lực để làm sao phát triển kinh doanh, làm sao có được nhiều doanh thu. Điều này là hoàn toàn chính đáng vì doanh nghiệp chẳng thể tồn tại chứ đừng nói đến phát triển nếu không có doanh thu.
Nhưng khi nói đến việc phòng ngừa rủi ro, quản trị tài chính, tổ chức và vận hành công tác tài chính kế toán, hệ thống kiểm soát nội bộ, chính sách thuế thì dường như rất ít doanh nghiệp nhỏ quan tâm. Có chăng là lãnh đạo doanh nghiệp thường quan tâm đến việc làm thế nào để nộp thuế ít nhất. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp nhỏ cũng chẳng bận tâm đến việc đầu tư cho công việc này.
Liệu doanh nghiệp có cần cân bằng giữa Công và Thủ hay không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp tự tìm câu trả lời.
Nguồn : Quản Trị và Khởi Nghiệp