CHUYỆN CON CÓC ĐIẾC VÀ VĂN HÓA KHEN CHÊ – BSOVN - Giải Pháp cho doanh nghiệp Việt

Chào mừng các bạn đến với Công Ty Tư Vấn và Giải Pháp Công Nghệ BSO

1/3/13 Nguyễn Thái Sơn

P.3, Q. Gò Vấp, HCM

8:30 AM - 7:00 PM

Thứ hai đến thứ bảy

Th8 22, 2017
by

CHUYỆN CON CÓC ĐIẾC VÀ VĂN HÓA KHEN CHÊ

“Câu chuyện bắt đầu từ một ngôi làng cóc nằm dưới chân núi có rất nhiều cóc sinh sống.

Một hôm, mấy chú cóc nghe bọn chim kháo nhau rằng, bên kia núi có rất nhiều cảnh đẹp. Sự tò mò lớn dần, con cóc già nhất trong làng bèn tập hợp mọi người lại và nói rằng:

– Chúng ta sẽ cùng nhau leo núi. Bằng mọi giá phải lên được đến đỉnh để nhìn xem bên kia núi đẹp tới cỡ nào mà bọn chim cứ khen nức nở như vậy.

Họ nhà cóc lao nhao đồng ý.

Đến ngày hẹn, từng con cóc cứ thế nhảy từng bước một lên đỉnh núi cao. Đường ngày càng khó đi, đỉnh núi thì xa vời vợi, một số con bắt đầu than vãn:
– Còn bao lâu nữa thì tới nơi? Tao mệt quá rồi.
– Tao cũng thế, đường sao xa quá. Chắc tao bỏ cuộc mày ạ.

Cứ thế, số cóc tham gia chuyến hành trình cứ rơi rụng dần vì đuối sức và bỏ cuộc. Cuối cùng, chỉ có duy nhất một con lên được đến đỉnh, nó ngắm nhìn toàn cảnh xung quanh, hít sâu khoan khoái trước cảnh đẹp vô cùng hùng vĩ, khác hẳn cái thế giới nó thường thấy mỗi ngày.

Bọn cóc ở dưới chân núi í ới hỏi vọng lên rằng:
– Này, trên đó đẹp không? Sao đằng ấy leo lên hay thế? Có thấy gì không?

Một con cóc khác vỗ vai bảo:
– Tụi mày hò hét làm gì, nó vốn điếc, chả nghe được tụi mày nói gì đâu.

Hóa ra, chính vì nó điếc, nên suốt cả quãng đường nhảy từng bước lên núi, nó chẳng hề nghe được những lời than vãn mà bọn bạn nó thều thào than thở. Và chính vì thế, nó cứ cắm đầu nhảy một mạch lên đến nơi, mặc cho mọi người bỏ cuộc.”

Lần đầu tiên tôi nghe kể câu chuyện này trong một chuyến tập huấn nhân viên công ty vào năm 2006. Đến nay cũng đã ngót nghét hơn chục năm trôi qua. Thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy đúng.

Khi tôi chia sẻ những bài viết của mình lên group, nhiều anh, em, bạn bè vào comment. Người khen cũng nhiều, kẻ chê không ít.

Điển hình như bài “Cờ tướng – Cờ vua và 7 bài học về tư duy nhân sự”, có người bảo, người viết bài này trọng văn hóa phương Tây, chả hiểu gì về cờ tướng cả dù tác giả đã ghi rõ hãy nhìn bằng góc nhìn nhân sự chứ không hề dạy bạn đánh cờ.

Hay như bài “Bạn muốn lương bao nhiêu?”, có người bảo, người viết bài này thuộc dạng biết mình mà chẳng biết ta, nhìn ứng viên bằng nửa con mắt, v.v…

Có cả những bạn quá khích, phán rằng thằng viết bài là loại trẻ trâu, chưa hề “mở mắt” nhìn đời, chưa từng biết chơi cờ hay ngồi bàn phỏng vấn. Họ vô tình xúc phạm người đã bỏ thời gian và công sức chia sẻ dù chưa biết giá trị hay không, nhưng ít ra cũng có cái để họ múa phím và nhận xét, quên cả một lời cảm ơn tối thiểu.

Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT và ĐÁNH GIÁ NGƯỜI VIẾT.

Khi ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT, chúng ta sẽ nêu lên những luận điểm của mình theo hướng đóng góp, tích cực hơn. Chính điều đó mang lại những cái mới, những cái giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Như bài “Cờ tướng – Cờ vua”, tôi vẫn luôn ủng hộ và trân trọng những phản biện bảo vệ cờ tướng mang tính xây dựng góc nhìn khác của rất nhiều anh, em tích cực và lịch sự.

Còn khi ĐÁNH GIÁ NGƯỜI VIẾT, liệu điều đó có làm hình ảnh bản thân chúng ta đẹp hơn, tốt hơn? Có chứng minh được rằng mình cũng có giá trị với cộng đồng như mình muốn thể hiện? Câu hỏi này tôi chắc mỗi người đều sẽ có câu trả lời. Vì nếu mình thật sự giỏi, thì bài mình viết ra sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều người khác. Vậy thôi.

Tôi tin rằng đây không phải là trường hợp của riêng tôi, mà bất cứ anh/chị nào từng bỏ tâm viết những bài chia sẻ cho cộng đồng thì đều trải qua những điều không vui như thế.

Nhưng có sao, hãy là một con cóc điếc, tập trung vào mục tiêu và những điều tốt đẹp mà bản thân mình tin tưởng. Điều này có lẽ AI CŨNG BIẾT, nhưng ngày hôm nay, tôi mạn phép nhắc lại nó cho những ai đã VÔ TÌNH QUÊN.

Chúng ta sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người, không phải để sống dựa vào nhận xét của người đời, vì chúng ta không phải thánh nhân.

Chúng ta chỉ là người phàm và đang đóng góp những điều rất nhỏ nhoi vào vũ trụ đầy rộng lớn.

Chúng ta có mặt trên cõi đời này để SỐNG CHÍNH CUỘC ĐỜI CỦA MÌNH, và LÀM NHỮNG GÌ MÌNH CHO LÀ Ý NGHĨA. Kể cả trong một group hơn 40.000 thành viên hay một group hơn 1 triệu thành viên, thì việc làm hài hòa quan điểm của tất cả là không thể.

Tôi cứ tự nhủ mình rằng, quan điểm sống vốn khác nhau, kẻ hợp thì khen, kẻ không hợp thì chê, không sao cả. Mình cứ làm, dẫu cho góp thêm giá trị tốt đẹp đến chỉ một người thôi, thì bản thân cũng thấy hạnh phúc rồi.

Và điều cuối cùng, “Hoa hồng đẹp vì có gai, nhưng chúng ta vui vì trên gai mọc ra hoa hồng”. Cùng một sự vật sự việc, nếu bạn nhìn theo hướng tích cực, bạn đúng, nhìn theo hướng nhìn tiêu cực, bạn cũng không sai.

Hãy trung dung mà sống.

Nguồn : Đặng Tuấn Tiến

Call Now Button
Gửi tin nhắn facebook