P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
ĐƠN GIẢN HOÁ TỚI MỨC THÔ THIỂN!
Dù sao, xu hướng phức tạp hoá cũng có cái đáng yêu và được việc của nó. Vì nó khiến người học tôn trọng kiến thức, tôn trọng người truyền giao và có tình yêu với những gì mình hấp thu được. Xu hướng ngược lại, đại khái hoá, sơ sài hoá vấn đề tới mức thiển cận, mới là cái đáng ngại của người Việt ngày nay.
Có lẽ những người có xu hướng này không phải thủ phạm, họ chỉ là nạn nhân tình cờ qua đường của một số vị thực sự tài năng. Các vị ấy khái quát hoá rất nhanh, nắm được trọng tâm vấn đề vì thế khi miêu tả lại họ chỉ cần phác vài câu là vào đúng cốt lõi luôn. Tôi từng gặp những vị như vậy trong một dự án từ những năm 2006. Các anh chị ấy thuộc hội du học sinh Việt Nam sang Nga và các nước Đông Âu năm 1982. Tôi không hình dung nổi làm sao mà một tập tài liệu 50 trang chuẩn bị kỹ lưỡng chi tiết, họ chỉ lướt trong 5 phút là đã xong ý chính và có thể đặt câu hỏi phản biện cực sốc và sắc ngay sau đó. Đó là những vị có khả năng thiên phú, có nhiều vị đoạt giải Toán lý cấp thế giới, đồng thời có rèn luyện kỹ càng chăm chỉ qua nhiều năm nên đầu họ hoạt động hiệu quả có lẽ còn hơn cả máy tính.
Nhưng không phải ai cũng thế, những người thường nghe họ thì thấy đơn giản quá, thế là học cái phương pháp làm đơn giản hoá không học mà lại chuyển sang bắt chước cái vẻ đơn giản cua họ. Thế là mọi thứ với họ không có gì đơn giản hơn. Ông A chứ gì? Chả qua là con rể của tướng B nên giờ mới giàu thế. Chị C chứ gì, ôi giời tưởng thế nào, may vào được đó rồi dần là lên thôi! Cứ thế, các định luật vũ trụ phức tạp được họ hoá giải một cách nhiệm màu tới mức thành :” Phim John Wick hả, à một chú sát thủ đi tìm chó trong thành phố!”. Truyền thống Samurai hả? “À, có gì đâu! Nó là cái bọn cạo đầu phía trước, hơi tý tự ái lên là rút dao ra đòi mổ bụng tự sát!”
Trong lớp học, một bạn học viên của tôi ngồi lướt web và nhắn công việc cho nhân viên qua chat và zalo. Hỏi bạn ấy sao không ghi bài bạn ấy nói: các cái thầy nói đơn giản quá, mà lại theo kiểu management là chính chứ bên em cả 5 trung tâm em đều làm theo kiểu leadership. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi thêm: vậy à? Không huấn luyện gì hết hả em? Dạ không, em phác thảo công việc cùng các bạn, sau đó để các bạn tự chia nhau làm, là xong. Giỏi nhỉ, thế doanh số tăng trưởng thế nào? Dạ thì mỗi tháng tăng hơn tháng trước 30% thầy. Vậy thì quá tốt, vừa rồi có một cái ở gần nhà anh vừa đóng cửa là các em chuyển đi hay thế nào? Trung tâm nào thầy, thì ở đường M. có 1 cái đấy, cách đây 2 tháng anh thấy còn tuyển sinh giờ thế nào rồi. Thầy nói cái nào mà em không nhớ nhỉ?”…
Sau 3 tháng, vẫn em gái đó, vẫn hồn nhiên vậy, vào chat hỏi tôi một câu làm tôi sững sờ: Thầy ơi, giờ tuyển sales trực tiếp thì lương trung bình trả bằng bao nhiêu % doanh số của bạn ấy tạo ra hả thầy? Sao em hỏi câu đấy? Tôi đã nói trong lớp ngay từ buổi đầu rồi mà? Ơ thế ạ? Em có ghi chép lại không? Anh nói rất kỹ phần này rội, cái này tuỳ mỗi ngành, mỗi thời gian phát triển và còn tuỳ cả định hướng của em nữa. VẬy ạ… và cứ thế, cái bạn ấy tưởng là biết rồi, vì nó đơn giản lại chính là cái bạn ấy thiếu. Tôi giờ không rõ tốc độ phát triển thế nào nhưng có cảm nhận rằng, tỷ lệ % bạn ấy có nói với tôi đợt trước cũng chỉ mang tính cảm giác.
Có một vài bạn vào học lớp của tôi, vì cái phong cách đơn giản của tôi, hình như nghĩ rằng dễ lắm, và thế là cũng hết bài của ông ấy rồi nên sau đó quyết tâm ra làm giảng viên. BẠn tung lên mạng một số lời chào hàng mang tính vừa khoa trương vừa như thách thưc. Và cũng chỉ một tháng sau đó không thấy tăm hơi giảng viên ấy đâu cả!
Lớp tập võ, những năm 1999-2001. Có một số lần đang tập tự dung tôi thấy một vài võ sinh mặt mũi có vẻ nghiêm trọng ra gần thầy mình, thì thào được vài phút đột nhiên ông cáu lên. Bật ra khỏi chỗ ngồi ông chỉ tay về phía nhóm bọn tôi đang tập “Mày tập và đổ mồ hôi như bọn kia kìa, suốt ngày thích rỉ tai nói nhỏ! Bí kíp là do mày tự ngộ ra chứ tao nói bao lần mày có chịu tập đâu?”. Cả lũ sợ thầy không dám nói gì nhưng nhìn nhau cười vì biết là anh chàng kia lại sử dụng mẫu câu kiểu: “Sư phụ, sư phụ xem dư lào, để em tập 3,4 năm ở đây rồi mà thằng A nó mới vào 2 tháng tẩn cho xưng cả người lên như này?”. Ý ở đây là anh ta mượn cớ mình bị bất công để tác động tới ông thầy mong ông ấy rón tay làm phúc mà nói luôn cái “nội công tâm pháp” kiểu như bí kíp “lăng ba vi bộ” mà Đoàn Dự lớ quớ thế nào, may hơn khôn lại học được. Đây là một ý thức rất kém, vì nó cho rằng ông thầy không có cái qué gì cả, chẳng qua ông thuộc được đâu đó 3,4 điểm bí mật và ông ấy cứ dấu tiệt đi làm của riêng để mà bịp hết lớp học trò này tới lớp học trò khác.
Gần thầy tôi được liên tục 4 năm, tôi biết ông không phải như thế. Cái tài của ông, giống như những người thành đạt trong mọi ngành nghề khác, nó không phải nằm ở một số công phu bí kíp, mà lại nằm ở khả năng phán đoán và phản ứng nhanh nhạy với tình huống. Là một người mẫn tiệp, ông không dạy chúng tôi thoe kiểu giống nhau. Mỗi người ông dạy một kiểu riêng bám sát với tính cách và khí chất của người đó. Mỗi lần giao tay với ông, ngay lúc tập, tôi không rõ ông chỉnh cái gì, nhưng sau đó khi chuyển sang giao tay với người khác tôi mới thấy hoá ra mình đã khá hơn một chút. Tức là trong tích tắc chạm, ông đã phát hiện điểm yếu của tôi và chỉnh nó cho tôi, thậm chí gài luôn vào tư duy của tôi một định dạng mà sau đó tôi mới hiểu!
Người thầy như thế là người rất giỏi, tuy hiếm gặp nhưng không phải không có. Và tựu trung, họ không phụ thuộc vào những nguyên lý giới hạn mà cực giỏi trong xác định, xử lý vấn đề. Mà cũng đúng thôi, trong võ thuật hay trong kinh doanh, mọi bài tập đều phải đi từ việc khiến cho người học và thực hành làm những thứ phức tạp trở thành đơn giản hoá dần tới mức trở lại trạng thái tự nhiên ban đầu. Lúc ấy thì họ chỉ còn một thứ, đó là phản xạ nghề nghiệp.
Cùng là đơn giản, đừng đơn giản tới mức thô thiển, hãy đơn giản khi bạn đã chín!
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt