P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Mobile Ads phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có vẻ như lĩnh vực đầy tiềm năng này chưa được các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư đúng mức.
Vài nét về Mobile Ads
Được ứng dụng đầu tiên tại Mỹ vào năm 2004, Mobile Ads nhanh chóng phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó có 3 hình thức phổ biến là tin nhắn SMS (Short Message Service) qua điện thoại di động, bao gồm các loại ký tự đơn giản; tin nhắn đa phương tiện MMS (Multi-Message Service), kết hợp tin nhắn văn bản với âm thanh, hình ảnh, video; và WAP Push Message, tương tự một trang WAP sử dụng hệ thống mạng để nhận tin nhắn.
Đó là chưa kể phương thức gọi điện trực tiếp đến khách hàng tiềm năng để thuyết phục và quảng cáo sản phẩm hay dịch vụ. Ngoài ra còn có các hình thức Mobile Ads gián tiếp như mã vạch 2D hay còn gọi là QRC (Quick Response Code, mã phản ứng nhanh), các ứng dụng được viết riêng cho dòng điện thoại di động bằng ngôn ngữ lập trình của điện thoại đó, hay Mobile Internet Ads (truy cập internet từ các thiết bị khác rồi chuyển qua điện thoại di động).
Nhờ sự phát triển của smartphone, Mobile Ads có những ưu điểm nổi bật như gửi thông điệp trực tiếp đến từng khách hàng, tiếp cận đến từng khách hàng mọi lúc mọi nơi, có sự tương tác hai chiều giữa khách hàng và doanh nghiệp, tỷ lệ phản hồi cao, tính lan tỏa cao trong khi chi phí thực hiện thấp…
Mobile Ads tại Việt Nam
Có lẽ năm 2006 là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Mobile Ads tại Việt Nam. Thời gian đầu, những chiến dịch Mobile Ads được chú ý đều xuất phát từ những tập đoàn đa quốc gia như “Nokia – khoảnh khắc cuộc sống” của Nokia, “Heineken DJ Contest” của Heineken, hay chiến dịch “Dove – vẻ đẹp thực sự” của Unilever. Một lợi thế lớn của Việt Nam là việc sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là smartphone tăng nhanh qua các năm, dẫn theo sự bùng nổ của việc truy cập internet qua di động và khai thác các ứng dụng trên di động bằng công nghệ mới, trong đó có Mobile Ads.
Những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên quan tâm và ứng dụng Mobile Ads nhiều nhất thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Họ thường gửi tin nhắn đến khách hàng thông báo các dịch vụ, các thông tin quảng cáo, chương trình khuyến mãi, chuyển đổi thuê bao hoặc thông tin tài khoản.
Viettel Mobile đi đầu khi cho phép Công ty CP Vietnamnet Plus trở thành đại lý bán quảng cáo trên tin nhắn của điện thoại di động từ tháng 9/2007. Ngân hàng là ngành tiếp theo tích cực sử dụng SMS như một công cụ marketing hữu hiệu.Trong lĩnh vực giải trí, lĩnh vực được đánh giá là phù hợp cho việc áp dụng Mobile Ads, có các nhà cung cấp nội dung di động như Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, Công ty CP Mbox, Công ty VTC, Công ty Phân phối FDC… Những công ty này cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như Dalink, Modern, My Mobile, Galafun, Mkool…, kèm theo đó là các mẫu quảng cáo.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng, bảo hiểm, bất động sản cũng đang dần áp dụng Mobile Ads.
Tuy nhiên, nhìn chung Mobile Ads vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Các hình thức áp dụng còn đơn giản, nghèo nàn về nội dung và thiếu tính sáng tạo. Nhiều tin nhắn quảng cáo bị xem như tin rác, hay việc gọi điện trực tiếp để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ gây cho khách hàng cảm giác bị làm phiền.
Thái độ đó phản ảnh tâm lý tự vệ của người tiêu dùng trước hàng loạt thông tin không liên quan gì đến nhu cầu của khách hàng do các doanh nghiệp không phân khúc thị trường, không xác định khách hàng mục tiêu. Đó là chưa kể những thông tin có nội dung lừa đảo hay lừa gạt.
Doanh nghiệp cần quan tâm gì?
Giới trẻ, những người thường xuyên sử dụng smartphone và các tiện ích di động kèm theo. Đây cũng là đối tượng dễ bị thu hút bởi những trào lưu, xu hướng mới trong âm nhạc, mạng xã hội, game di động, cũng như những thông tin thực tế hữu ích. Do đó, các doanh nghiệp nên tận dụng để triển khai các chiến dịch Mobile Ads.
Việc nắm rõ thói quen và hành vi của khách hàng trong những tình huống cụ thể khi thực hiện chiến dịch Mobile Ads sẽ giúp doanh nghiệp tác động gợi mở nhu cầu của khách hàng.
Smartphone ngoài chức năng nghe gọi, nhắn tin SMS thông thường, còn có WAP, video, MMS, game di động, mã vạch 2D… Vì vậy, sự kết hợp hợp lý giữa giá trị giải trí và quảng cáo sản phẩm có thể đem đến hiệu ứng quảng cáo cao.
Chẳng hạn, việc xây dựng game trên điện thoại di động gắn liền với quảng cáo, hay xây dựng trang mạng xã hội trên điện thoại di động như Unilever từng làm. Trong chiến dịch quảng bá cho dòng sản phẩm Cornetto, thay vì quảng cáo một chiều, Unilever đã thu hút khách hàng tham gia bằng cách trao cho họ quyền tạo nội dung chính.
Bằng cách này, khách hàng vừa hứng khởi khi tham gia vừa giúp lan tỏa thông tin về chiến dịch đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và rủ họ cùng tham gia. Việc kết hợp những ưu điểm của điện thoại di động và những ưu điểm của các phương tiện truyền thông khác hợp lý có thể giúp cho chiến dịch Mobile Ads lan tỏa rộng hơn.
DANH BÙI
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online