P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Khi một chuỗi trung tâm vật lý trị liệu muốn thu hút bệnh nhân mới, họ hướng các nội dung quảng cáo trực tuyến đến những người sống gần các cơ sở mình và từng mua nẹp đầu gối trên trang web thương mại điện tử Amazon. Khi một nhà cung cấp dịch vụ tài chính muốn quảng bá hoạt động tư vấn dành cho người về hưu, họ nhắm các mẫu quảng cáo vào những người trong độ tuổi 40 và 50 và gần đây có mua sách tài chính cá nhân trên Amazon.
Và khi một công ty thẻ tín dụng lớn muốn có khách hàng mới, họ sử dụng quảng cáo để lôi kéo người sử dụng thẻ của ngân hàng khác trên trang web bán lẻ trực tuyến này.
Các nhà quảng cáo tìm thấy khách hàng tiềm tàng nói trên bằng cách sử dụng các dịch vụ quảng cáo của Amazon – vốn hưởng lợi từ những gì công ty biết rõ hơn bất kỳ ai: thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. “Amazon có cơ sở dữ liệu thật sự đơn giản – họ biết người nào mua gì. Đối với một nhà quảng cáo, đó là một giấc mơ”, ông Daniel Knijnik, nhà đồng sáng lập công ty quảng cáo Quartile Digital chuyên tập trung vào Amazon, đánh giá.
Những mẫu quảng cáo được bán bởi Amazon giờ đây được xem là trụ cột chính thứ ba trong hoạt động kinh doanh của công ty, bên cạnh thương mại điện tử và điện toán đám mây. Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) ước tính mảng quảng cáo của Amazon có giá trị khoảng 125 tỉ đô la.
Đóng vai trò quan trọng là các quảng cáo được đặt trên Amazon.com bởi các doanh nghiệp muốn xuất hiện gần kết quả tìm kiếm sản phẩm trên trang web. Đáng chú ý là, công ty này còn đang đẩy mạnh bán quảng cáo video hoặc quảng cáo hiển thị, đe dọa đến vị trí dẫn đầu của công ty công nghệ Google và mạng xã hội Facebook.
Ngoài việc biết người tiêu dùng mua gì, Amazon còn biết họ sống ở đâu (dựa vào địa chỉ giao hàng), cũng như sử dụng loại thẻ tín dụng nào. Công ty cũng biết con cái họ bao nhiêu tuổi (dựa vào thông tin đăng ký) và ai bị cảm (dựa vào loại xi rô ho đặt mua). Bên cạnh thói quen mua sắm, người tiêu dùng còn cung cấp những thông tin khác có thể được sử dụng cho mục đích quảng cáo.
Chẳng hạn trang web của Amazon có một mục tên Garage, nơi khách hàng có thể gửi thông tin về xe họ để bảo đảm mua các phụ tùng phù hợp. Hồi năm 2015, Amazon đã sử dụng dữ liệu thu thập từ mục Garage để giúp một công ty bảo hiểm tự động nhắm mục tiêu đến các khách hàng cụ thể. Giờ đây, các thương hiệu có thể chọn sự hiển thị quảng cáo cho những người lái một loại xe nhất định nào đó thông qua cổng quảng cáo Amazon.
Amazon đã hiển thị quảng cáo trên các trang web hơn sáu triệu lần trong ba tháng, dẫn đến gần 22.000 lượt nhấp và hơn 4.000 lần đặt hàng. Theo ông Knijnik, tỉ lệ chuyển đổi 20% này, tức cứ năm người nhấp quảng cáo thì có một người mua, là một kết quả ấn tượng.
Các mạng quảng cáo trực tuyến lớn hiện cung cấp các phương thức tiếp cận khách hàng khác nhau. Một thương hiệu áo thun chạy bộ cho phụ nữ có thể sử dụng công cụ Google để tìm kiếm những người mà công ty tin là nữ giới và thích chạy bộ, dựa trên lịch sử tìm kiếm và duyệt web của họ. Công ty này cũng có thể chuyển sang Facebook để tìm kiếm khách hàng tiềm tàng trong các nhóm dành cho phụ nữ thích chạy bộ.
Amazon cũng có nhiều tính năng tương tự Google hoặc Facebook, như nhằm vào người sử dụng dựa trên các yếu tố như sở thích, tìm kiếm và nhân khẩu học. Tuy nhiên, hệ thống quảng cáo Amazon cũng có thể giúp giảm bớt sự phỏng đoán bằng cách hiển thị quảng cáo cho những người đã mua áo thun chạy bộ trên trang thương mại điện tử này.
Các nhà quảng cáo từ lâu đã thực hiện chiến dịch thông qua mạng quảng cáo của Amazon, ban đầu thông qua làm việc trực tiếp với nhân viên Amazon. Theo thời gian, tập đoàn này cho phép nhiều nhà quảng cáo hơn tiếp cận hệ thống tự phục vụ, khai thác kho dữ liệu khổng lồ của mình để thu hút thêm khách hàng bằng cách chạy chiến dịch trên trang web Amazon hoặc bên ngoài, với nhiều mức chi tiêu khác nhau và dựa vào một loạt tiêu chí khác nhau.
Just the Cheese – một thương hiệu phô mai của công ty Specialty Cheese (Mỹ) – vừa cho ra mắt một món bánh ít tinh bột, đường. Bằng cách sử dụng thuật toán để phân tích dữ liệu có liên quan đến quảng cáo tìm kiếm về Just the Cheese trên trang Amazon, công ty quảng cáo Quartile Digital nhận thấy những người tìm kiếm một số món bánh ít tinh bột, đường khác cũng mua sản phẩm nói trên. Vì vậy, Quartile đã chạy chương trình quảng cáo hiển thị trên web nhắm đến đối tượng khách hàng tiềm năng này.
Theo thống kê, Amazon đã hiển thị quảng cáo trên các trang web hơn sáu triệu lần trong ba tháng, dẫn đến gần 22.000 lượt nhấp và hơn 4.000 lần đặt hàng. Theo ông Knijnik, tỉ lệ chuyển đổi 20% này, tức cứ năm người nhấp quảng cáo thì có một người mua, là một kết quả ấn tượng.
Giống như các mạng quảng cáo khác, Amazon sử dụng cookie và các công cụ kỹ thuật khác để theo dõi khách hàng chuyển từ trang web của mình sang các trang web khác. Nhờ những công cụ này, Amazon có thể biết được một người nào đó gần đây mua một cuốn sách ăn kiêng và hiện đọc tin tức trên trang CNN, từ đó hiển thị quảng cáo về loại thực phẩm người này có thể quan tâm. Đáng chú ý, Amazon không hé lộ danh tính người nói trên chỉ hiển thị quảng cáo thay các thương hiệu.
Vào năm ngoái, công ty này tung ra một công cụ tương tự chương trình được một số mạng quảng cáo khác sử dụng. Công cụ này nhúng một đoạn mã máy tính – được gọi là pixel – vào trong quảng cáo xuất hiện trên các trang web khác và theo dõi cách thức quảng cáo này dẫn khách hàng đến xem sản phẩm trên trang Amazon hoặc mua nó lập tức.
Chưa hết, Amazon còn đang giúp các thương hiệu nhắm quảng cáo đến khách hàng và người mua sắm của riêng mình. Chẳng hạn, nhà quảng cáo có thể tải lên danh sách khách hàng của mình. Sau đó, Amazon đối chiếu danh sách này với cơ sở dữ liệu của công ty và hiển thị quảng cáo cho những khách hàng này hoặc những người mà thuật toán của Amazon đánh giá là có những nét tương đồng.
Minh Phương
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn