P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Jason Wong đã chọn sai ngày để nhập thêm hàng cho shop đồ trang điểm của mình. Công ty của anh, Wonghaus Ventures đã lên kế hoạch để chạy quảng cáo trên cả Facebook và Instagram để nói về chiến dịch hàng mới, cùng lúc với các bài viết của KOL. Ngày 13/3 (giờ Mỹ), Facebook cùng các dịch vụ khác của họ hoạt động chập chờn trong gần nửa ngày.
Bài quảng cáo của Wong đã được đăng theo đúng lịch, nhưng chẳng mấy người nhìn thấy và tương tác. Anh cho biết sự cố của Facebook khiến công ty thiệt hại khoảng 10.000 USD.
“Chúng tôi có thể tính toán nhanh mình đã bị thiệt hại bao nhiêu khi nhìn vào doanh thu khoảng 1 tuần trước, cùng với tình hình trong ngày hôm nay”, Wong nói với The Verge.
Wong không phải người duy nhất bị thiệt hại vì sự cố của Facebook. Có tới hàng triệu nhà quảng cáo trên Facebook, những người thực hiện các chiến dịch quảng cáo và bài viết trên nền tảng này. Khi Facebook gặp sự cố, họ mất đi một kênh truyền thông cực kỳ quan trọng.
Instagram và Facebook đối với những người này chính là nền tảng quan trọng nhất để quảng cáo và bán hàng. Việc các dịch vụ này bị gián đoạn cũng giống như biển quảng cáo và sóng phát thanh truyền hình biến mất, và không ai có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy quảng cáo nữa.
Facebook có một chính sách hỗ trợ nhà quảng cáo, và không tính tiền quảng cáo khi kết quả của chiến dịch không đạt. Kết quả đó có thể là số người nhìn thấy bài viết, hoặc số người thực sự bấm vào bài viết, và nhà quảng cáo chỉ trả tiền cho kết quả đã có. Tuy nhiên, với Wong thì thiệt hại không chỉ là số tiền quảng cáo mà còn là doanh thu mà đúng ra họ đã có nếu như nền tảng hoạt động bình thường.
Wong cho biết công ty của anh đạt doanh thu 8.000-10.000 USD/ngày từ những sản phẩm như mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em. Khi Facebook và Instagram gặp sự cố ngày hôm qua, gần như Wong không kiếm được một đồng doanh thu từ 2 nền tảng này.
Sự cố của Facebook không chỉ ảnh hưởng tới những người bán hàng trực tiếp. Laura Faint, trưởng bộ phận marketing tại một công ty thiết kế sản phẩm cho biết sự cố khiến công ty của cô mất 4-6% lượng tương tác.
“Với cách hoạt động của chiến dịch, có thể chúng tôi sẽ nhìn thấy được sự ảnh hưởng của sự cố vào cuối tuần này”, Faint cho biết.
Những người bị thiệt hại nặng nhất là các đơn vị tổ chức sự kiện. Candy Calderon chuẩn bị có sự kiện vào ngày 14/3, và cô đã mua những quảng cáo vào phút cuối trên Facebook, Instagram và cả mục Stories trên Instagram để bán nốt vé. Quảng cáo trên Facebook và Instagram đã không thể lên vì sự cố, và cô đã mất cơ hội bán nốt những vé cuối cùng cho khóa học của mình.
Calderon cho biết cô vẫn thấy mình bị trừ tiền vì quảng cáo Instagram, dù cô không rõ nó có được đăng hay không. “Tôi bị thiệt hại rất nhiều vì sự cố này, không chỉ là tiền”, Calderon chia sẻ.
Ngoài việc quảng cáo trực tiếp, nhiều công ty còn lựa chọn quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng trên mạng, hay KOL. Wong cho rằng mình đã bị thiệt hại bởi những bài viết của KOL mà anh thuê hôm qua sẽ chẳng có mấy người đọc.
Hợp đồng của công ty anh với những KOL cũng không có điều khoản chặt chẽ, và Wong chỉ mong họ sẽ đăng lại bài viết để có thể tiếp cận tốt hơn chứ không muốn đòi lại tiền.
“Facebook nên thẳng thắn hơn với nhà quảng cáo và cho chúng tôi biết điều gì đã xảy ra, nhất là khi chúng tôi chính là những người bỏ tiền ra cho nền tảng của họ”, Wong chia sẻ.
Giống như Wong, Faint cũng cho biết công ty của cô không chỉ dùng các dịch vụ của Facebook mà còn rất nhiều nền tảng khác. Sự cố hôm qua chỉ càng làm rõ thêm lý do vì sao cần phải đa dạng.
“Facebook rất quan trọng với chúng tôi, và nhờ họ chúng tôi đã thu được rất nhiều. Dù vậy, giờ đây tôi càng thấy rõ vì sao chúng tôi phải tự bảo vệ mình để không bị nguy hiểm nếu có sự cố tương tự”, cô cho biết.
Nhật Minh / The Verge
Nguồn: Zing News