P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Quỷ Cốc Tử nói: “Nói chuyện với người trí tuệ thì phải dựa vào sự hiểu biết rộng. Nói chuyện với người hiểu biết rộng nên dựa vào phân tích phân biệt. Nói chuyện với người giỏi phân tích phân biệt nên dựa vào điều cốt yếu. Nói chuyện với người hiển quý nên dựa vào thế thời. Nói chuyện với người giàu có nên dựa vào sự cao thượng. Nói chuyện với người nghèo khó nên dựa vào lợi ích. Nói chuyện với người thấp kém nên dựa vào khiêm hạ. Nói chuyện với người dũng cảm nên dựa vào can đảm”.
Nói chuyện với người trí tuệ cần dựa vào sự hiểu biết rộng
Người hiểu rõ đạo lớn trong trời đất, không nhất định có tri thức uyên bác, người học rộng biết nhiều không nhất định hiểu rõ đại đạo.
Giống như một tăng nhân già đắc Đạo, sống trong núi sâu, thanh tâm quả dục, không tranh giành gì với thế tục, đối với thế giới bên ngoài thì có lẽ không biết được nhiều. Nói chuyện với tăng nhân già này thì có thể nói nhiều một chút về những gì mình trông thấy, nghe được, cảm nhận được hay suy nghĩ được, thì cũng khiến họ vui thích lắng nghe.
Cũng giống như chơi cờ, người chơi thì mê lạc, người xem thì thanh tỉnh. Những nghi hoặc, phiền não và ưu sầu khổ sở của bạn ở thế gian, mỗi lời nói của tăng nhân già có thể điểm đúng chỗ mê, đem lại cho bạn ánh sáng cuối đường hầm đen tối.
Nói chuyện với người biết rộng cần dựa vào phân tích phân biệt
Lão Tử nói: “Ít thì được, nhiều thì nghi hoặc” (nguyên văn: Thiểu tắc đắc, đa tắc nghi). Đi sâu vào một môn thì dễ đạt được thành tựu. Xem nhiều môn, học nhiều môn thì trái lại dễ mê hoặc, hay nghi hoặc. Bởi vì mỗi môn có cách nói riêng của nó, mỗi người có quan điểm riêng của mình. Trí tuệ không đủ, tu hành không đủ thì không dễ phân tích phân biệt được. Giỏi phân tích, phân biệt, biện luận, tổng hợp các gia phái, nắm được mỗi gia phái có cái huyền diệu riêng.
Nói chuyện với người có tri thức rộng, nếu rơi vào so sánh xem ai biết nhiều thì sẽ thất bại. Nên từ trong mớ bòng bong đó sắp xếp chỉnh lý, từ vạn lý lẽ quy nạp lại thành một cái duy nhất. Khổng Tử nói: “Đạo của ta chỉ có một thứ xuyên suốt”. Có thể từ phân tích phân biệt mà giúp người quy nạp ra cái “Đạo” đó thì không gì tốt bằng.
(Ảnh minh họa: epochtimes.com)
Nói chuyện với người giỏi phân tích phân biệt cần dựa vào điều cốt yếu
Nói chuyện với người giỏi phân tích phân biệt, nhất định phải nắm chắc điểm cốt yếu, nếu không thì vòng vo vạn sự vạn vật không bao giờ hết.
Trang Tử và Huệ Thi đi qua một chiếc cầu nhỏ, Trang Tử nói: “Cá ở dưới nước ung dung tự tại, vui vẻ biết nhường nào”.
Huệ Tử nói: “Ông không phải là cá, sao ông biết cá vui?”
Trang Tử nói: “Ông không phải là tôi, sao ông biết tôi không biết cá vui?”.
Huệ Tử nói: “Tôi không phải là ông, không biết được niềm vui của ông. Ông không phải là cá, đương nhiên không biết được niềm vui của cá”.
Trang Tử nói: “Chúng ta hãy trở về ban đầu, ông hỏi tôi ‘sao ông biết cá vui’, điều đó nói rõ ông biết rằng tôi biết cá vui, do đó mới hỏi tôi. Bây giờ tôi nói cho ông biết, tôi từ trên chiếc cầu nhỏ đó mà biết được”.
Trang Tử nắm chắc lấy sai lầm logic của Huệ Tử. Huệ Tử hỏi “Sao ông biết cá vui”, nói rõ rằng Huệ Tử biết Trang Tử biết cá vui. Huệ Tử hỏi “sao ông biết”. Trang Tử trả lời tôi từ trên chiếc cầu nhỏ đó mà biết được. Nghe có vẻ ‘hoang đường’. Nhưng thực tế là nói rõ rằng con người và vật có thể cảm nhận thông hiểu lẫn nhau. Sự cảm nhận thông hiểu lẫn nhau này gọi là cảm giác cá nhân, người khác có thể nói gì sao? Do đó Huệ Tử chẳng còn lời nào để nói nữa.
Nói chuyện với người hiển quý nên dựa vào thế thời
Người tôn quý sở dĩ phát đạt là hoàn toàn dựa vào thế thời. Nhưng thế thời thì có đến có đi, thế thời đến mà không nắm bắt thì nuối tiếc ân hận, thế thời đi rồi mà vẫn không buông bỏ thì sẽ chịu họa hoạn.
Đại phu nước Việt là Phạm Lãi và Văn Chủng cùng giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Chim hết thì cung bị vứt bỏ, thỏ chết thì chó bị phanh thây. Phạm Lãi khuyên Văn Chủng vứt bỏ vinh hoa, bơi thuyền sông hồ ngao du. Văn Chủng không nghe, Phạm Lãi đành một mình bỏ đi. Sau này Văn Chủng bị Việt Vương giết chết.
Có thể nắm bắt được thế thời thì mới có thể lên địa vị cao. Có thể thuận theo thế thời thì mới có thể giữ được địa vị. Nếu thế thời đổi thay, không đổi thay theo thế thời thì chỉ có thể ngồi đó mà chờ thất bại.
Thế nên nói chuyện với người hiển quý thì nắm bắt được thế thời mới là trọng điểm.
Nói chuyện với người giàu có cần dựa vào điều cao thượng
Nói chung người có tiền dễ lo lắng bởi vì sợ sự nghiệp của họ bị thất bại. Người có tiền sợ nhất là con cháu bất tài vô đức, lo lắng tài sản dốc hết tâm sức ra tích cóp sẽ đội nón ra đi…
Thế nên nói chuyện với người giàu có thì lập luận phải cao. Nói cho họ biết tích đức hành thiện thì mới có thể để lại ân trạch phúc lành cho con cháu. Nói cho họ biết hết thảy đều là không, chỉ có nhân quả là thật. Làm người tốt, làm việc tốt thì hết thảy mọi việc đều tự có an bài…
(Ảnh minh họa: perfnova.com)
Nói chuyện với người nghèo khó cần dựa vào lợi ích
Vợ chồng nghèo khó, trăm việc thất bại, cuộc sống túng bấn, ưu sầu lo lắng về cuộc sống, thế nên nếu nói chuyện đạo lý lớn với họ thì vô dụng. Lúc này cần nói chuyện làm thế nào để thoát nghèo, có con đường ra nào, cần phải có lòng tin, phải nỗ lực, vợ chồng phải hòa thuận đoàn kết cùng nhau gánh vác, cùng nhau làm.
Mạnh Tử nói: “Người có tài sản lâu bền là người bền lòng. Người có tài sản không lâu bền là người không bền lòng”. Nói chuyện với người nghèo khó, trừ khi bạn có thể giúp họ hữu hiệu, nếu không thì nói gì cũng khó mà có hiệu quả được.
Nói chuyện với người thấp kém cần dựa vào khiêm hạ
Lão Tử nói: “Sông biển sở dĩ là vua của trăm suối ngàn khe, là bởi giỏi ở nơi thấp kém. Bậc Thánh hiền được người dân tôn kính yêu mến, bởi vì họ ăn nói khiêm hạ, làm lợi cho dân. Thế nên Thánh hiền ở trên mà người dân không cảm thấy nặng nề, ở trước mà người dân không cảm thấy chán ghét. Đây chính là đức khiêm hạ vậy”.
Đối với người thấp kém mà nói, địa vị cao hơn họ, thu nhập cao hơn họ, tài sản nhiều hơn họ, cái gì họ cũng không bằng bạn, như thế họ sẽ nảy sinh tâm lý xa cách và chán ghét, thù hận. Có những việc chịu tổn thất lại là có ích lợi, có lợi ích lại là tổn thất. Trước những người không bằng bạn, tự cho mình cao quý thì đó là có ích mà lại tổn thất. Nếu có thể khiêm tốn, lễ độ, hạ thấp mình thì đó chính là tổn thất mà lại có ích lợi.
Nói chuyện với người dũng cảm nên dựa vào can đảm
Lão Tử nói: “Dũng cảm dám làm thì sẽ chết, dũng cảm không dám làm thì sẽ sống” (“Dũng ư cảm tắc sát, dũng ư bất cảm tắc hoạt).
Nói chuyện với người dũng cảm không được tỏ ra yếu đuối, nhưng tuyệt đối không được vũ dũng thích đấu đá. Người vũ dũng thích đấu đá là du côn vỉa hè. Người dũng cảm thực sự suy nghĩ hành vi của mình có phù hợp với đạo nghĩa hay không, giống như Mạnh Tử nói: “Tuy ngàn vạn người ta vẫn tiến tới”. Nhưng nếu không có đạo lý thì không được thể hiện cái dũng của kẻ thất phu cầm dao phay xông lên.
Người trí tuệ, người hiểu biết rộng, người giỏi phân tích phân biệt, người hiển quý, người giàu có, người nghèo khó, người thấp kém, người dũng cảm, đây là 8 kiểu người khái quát trong xã hội. Nếu học được cách nói chuyện có hiệu quả với những kiểu người này thì bản thân bạn phải là một người hội tụ cả 3 kiểu người: trí tuệ, nhân đức và dũng cảm.
Nam Phương
Theo tw.aboluowang.com