P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp. Một nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Gia tăng lừa đảo công nghệ
Để quá trình chuyển đổi số thành công, hạ tầng thanh toán với sự tham gia của các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cũng quan trọng không kém các doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng kết nối, xử lý dữ liệu. Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ cũng kéo theo việc gia tăng của tội phạm công nghệ cao.
“Trong ngành ngân hàng, quy định về định danh và xác thực khách hàng là quy định bắt buộc và thực tế chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vì hiện nay hiện trạng giả mạo danh tính để thực hiện giao dịch trên các kênh điện tử rất nhiều. Từ giả mạo con người cho đến thông tin thật hết, nhưng chỉ có người giả.
Và đến bây giờ có tình trạng mua bán thông tin thật của ai đó, thuê mướn ai đó mở tài khoản và mở ebank. Sau đấy có thể toàn quyền sử dụng tài khoản một cách hợp thức và thông tin thật hết. Với những hiện tượng như vậy ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc phòng chống các tội phạm lừa đảo, rửa tiền hay là tài trợ khủng bố”, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 mới đây.
Tại Việt Nam, các ngân hàng liên tục phát ra những thông tin cảnh báo liên quan tới các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Cụ thể, đối với khách hàng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho người thân. Sau đó, đối tượng yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western union…) rồi gửi cho người bán tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi chủ cửa hàng truy cập vào sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực hiện giao dịch gian lận.
Một thủ đoạn khác với khách hàng đang sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo… đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Hay đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo thông báo tài khoản E-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link giả mạo. Hoặc kẻ gian giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập có giao diện tương tự website thật, bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng, trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng đăng nhập, từ đó chiếm đoạt các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ.
Sinh trắc học sẽ hạn chế lừa đảo ngành ngân hàng
“Chúng tôi cũng thấy rằng nếu như giả dụ Chính phủ có một cổng xác thực thông tin và có các dữ liệu mở mà các ngân hàng có thể khai thác được thì nó sẽ hạn chế được rất nhiều“, CEO TPBank cho biết.
Ông Hưng lấy ví dụ hiện các ngân hàng mới chỉ khai thác được những thông tin bảo hiểm xã hội hay mã số thuế cá nhân để tra cứu xem có đúng khách hàng đó để xác thực hay không. Mặc dù thông tin đó là thực nhưng người này có đúng là người mang các thông tin đó hay không thì cũng không chắc chắn. Vì vậy theo chuyên gia này nếu như có thêm các yếu tố về sinh trắc học chẳng hạn như vân tay, đôi mắt hay khuôn mặt để xác thực nữa thì chắc chắn tỷ lệ giả mạo đó sẽ bớt đi rất nhiều.
“Chúng tôi cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình ngân hàng tự động hoàn toàn, hoạt động suốt ngày đêm mà không cần con người phục vụ. Chúng tôi cũng phải mất đến hơn nửa năm để thuyết phục cơ quan quản lý là ngân hàng nhà nước để cho phép chúng tôi xác thực khách hàng từ xa qua các hệ thống điện tử. Qua quá trình này, chúng tôi thấy rằng rất yên tâm so với xác thực khách hàng tại quầy mà các giao dịch viên mặt đối mặt với khách hàng“, CEO Nguyễn Hưng chia sẻ về kinh nghiệm của TPBank trong việc áp dụng công nghệ vào xác thực, định danh khách hàng.
Theo ông Hưng nhờ sử dụng công nghệ, ngân hàng này thu thập được cả vân tay, khuôn mặt, giọng nói, đấy là những sinh trắc không làm giả được. Sau đó Tienphong bank còn khai thác những sinh trắc này để phát triển thêm các dịch vụ khác cho khách hàng như dùng vân tay đó để rút tiền tại ngân hàng mà không cần phải mang theo thẻ, không cần phải cầm bất kỳ công cụ gì trong tay. Công nghệ này thậm chí còn tránh được rủi ro bị làm thẻ giả để rút tiền như ở ATM nữa. CEO này đánh giá đây là những cái tiện ích rất lớn.
Tuy nhiên ông Hưng cũng thừa nhận những công nghệ này rất thuận tiện và được khách hàng đánh giá cao nhưng vẫn bị hạn chế về mặt không gian. Ví dụ TPBank phải đặt 1 trạm ở gần đó thì khách hàng mới tới giao dịch được.
“Hiện nay chúng tôi mới bớt hạn chế về thời gian thôi còn không gian mà chúng tôi triển khai hàng nghìn cái tự động như vậy thì rất tốn kém về tài chính, về nguồn lực. Thứ hai là nhiều khi không đảm bảo hiệu quả được. Chúng tôi cũng có nghiên cứu 1 số giải pháp để triển khai xác thực trên mobile nhưng vấn đề nữa là rất cần 1 cơ chế của nhà nước, một quy định của pháp luật nào đó, hoặc sắp tới đây có sandbox cho phép chúng tôi tham gia thì cũng rất tốt”, CEO Tienphong Bank đề xuất.
Từ những bài học từ Trung Quốc hay một số đơn vị đang triển khai, đại diện TPBank hy vọng những giải pháp công nghệ tốt có thể triển khai sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo trên kênh số hóa như hiện nay.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ