P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Chục năm trước, thị trường hàng điện máy ở các thành phố lớn rất sôi động, khách hàng đến mua sắm nườm nượp, các nhà bán lẻ không phải khuyến mãi nhiều, mỗi năm chỉ cần vài ba chương trình vào các dịp lễ, Tết. Còn hiện nay, do ế ẩm nên trung tâm nào cũng phải chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá hằng tuần mới mong kéo được một ít khách.
Khảo sát các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM cho thấy lượng khách đến mua sắm ngày càng thưa thớt, thậm chí nhân viên siêu thị còn đông hơn khách. Ngay cả hệ thống Thế Giới Di Động được cho là thành công cũng phải thực thi chính sách cửa hàng nào không đạt doanh số trong 1- 2 tháng đầu khai trương là phải đóng cửa, tìm mặt bằng khác.
Ông Nguyễn Thanh Hà, phụ trách kinh doanh một trung tâm điện máy tại TP HCM, thừa nhận ngành bán lẻ điện máy đã hết “thời” từ vài năm trước, khoảng 2 năm nay càng thê thảm hơn, ai cũng thấy. Sở dĩ các nhà bán lẻ còn cầm cự là để giữ thương hiệu, chờ cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư.
Một số nhà bán lẻ điện máy phải chuyển mình, thêm ngành nghề để tồn tại. Như Trung tâm Điện máy Thiên Hòa đang có kế hoạch đầu tư vào ngành giáo dục và cả bất động sản. Còn hệ thống FPT Retail mở dịch vụ đặt hàng từ Mỹ, Nhật ngay trên website FPT Shop. Trước đó, hệ thống này đã hợp tác với Nguyễn Kim để bán hàng điện máy trên trang dienmay.fptshop.com.vn để hỗ trợ lẫn nhau.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động vài năm nay đã đẩy mạnh chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh kinh doanh thực phẩm, nồi niêu xoong chảo sau khi nhận thấy mảng điện thoại và điện máy có dấu hiệu bão hòa. Gần đây, nhà bán lẻ điện máy, điện thoại này còn kinh doanh thêm các mặt hàng đồng hồ, mắt kính trong một số siêu thị của mình để tăng doanh số.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, mặt hàng đồng hồ, mắt kính đang được tiêu thụ tại 43 shop của hệ thống, đến cuối tháng 9 tới sẽ tăng lên 100 shop và cuối năm lên 200 shop. Nhà bán lẻ này đặt kế hoạch trong năm 2020 sẽ có 600 shop kinh doanh mặt hàng mắt kính, đồng hồ. “Hiện nay, mỗi shop tiêu thụ từ 20-25 chiếc đồng hồ/ngày, với giá bán từ 1 triệu đồng/sản phẩm trở lên” – ông Hiểu Em nói thêm.
Trong khi kinh doanh điện máy trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị đang khá chật vật, thị phần sụt từng năm thì một bộ phận khách hàng của họ đang chuyển sang mua sắm ở các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Theo đó, Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi đang chiếm thị phần đáng kể đối với hàng điện máy, điện lạnh, hàng công nghệ. Các nhà bán lẻ điện máy thừa nhận họ vừa cạnh tranh lẫn nhau vừa đối đầu quyết liệt với các sàn TMĐT.
Ghi nhận trên các sàn Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi… hầu hết các hãng điện máy, điện lạnh và công nghệ như Samsung, LG, Apple, Sony, Sharp, Panasonic, Philips, Daikin, Toshiba, Oppo, Huawei, Xiaomi… đều đã mở gian hàng kinh doanh đầy đủ các mặt hàng như ở siêu thị. Chưa kể, các cửa hàng điện máy nhỏ cũng mở gian hàng trên sàn TMĐT nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, giảm chi phí mặt bằng, cũng như quảng bá. Đặc biệt, giá bán sản phẩm điện thoại, điện máy trên các sàn thường rẻ hơn từ 10%-30% so với mua trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm các chế độ bảo hành, hậu mãi nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
Các nhãn hàng cũng thường xuyên kết hợp với chủ sàn thực hiện các chương khuyến mãi ngắn, giảm giá lên tới 50% nên thu hút sự quan tâm rất lớn của các tín đồ chuyên săn hàng trên mạng.
Đại diện sàn Sendo cho biết đang hợp tác với các nhãn hàng uy tín như Philips, Samsung, Electrolux, LG, Sony, Daikin, Gree… để mở gian hàng bán các sản phẩm điện tử, điện máy. “Được thành lập từ năm 2018, lượng giao dịch cho các ngành hàng có giá trị lớn như điện tử, gia dụng gia tăng rất nhanh trên Sendo. Đó cũng là mục tiêu Sendo nhắm tới để phục vụ cho các khách hàng trẻ, năng động và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường bán lẻ hiện nay” – đại diện Sendo nhìn nhận.
Cũng theo Sendo, bên cạnh sự ưu đãi của các nhãn hàng và các nhà bán hàng, sàn này còn hỗ trợ cho người tiêu dùng cuối như giảm giá trực tiếp, hoàn tiền lên đến 50%, hỗ trợ trả góp 0%… Đối với các nhà bán hàng và đối tác, sàn này cũng hỗ trợ về mặt hiển thị và nhận diện thương hiệu, hỗ trợ hoàn toàn chi phí bán hàng, chi phí thu hộ (COD), các chi phí khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng… Do vậy, các hãng điện máy càng ưa thích tìm đến sàn TMĐT để tăng lượng tiêu thụ thay vì đổ vốn vào đầu tư ở trung tâm thương mại, các điểm bán lẻ.