P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Mấy tuần nay cứ bị “ám ảnh” bởi khái niệm luxury (cao cấp, xa hoa). Đó quả là cái thứ ám ảnh huy-hoàng (chứ không phải kinh-hoàng), dù rằng nó đang trở thành một thuộc-tính bị “lạm dụng” khôi hài trong các câu chuyện truyền thông bất động sản.
Ngày nay, hầu như tất cả các dự án đều tự cho phép mình gắn vào thuộc-tính luxury và đem đi chào bán; nhất thiết phải luxury mới bán được. Giả sử có lột hết logo, tên dự án (thậm chí cứ giữ lại tagline) thay vào đó là bất cứ logo, dự án nào khác, người ta cũng đều thấy chúng có một màu như nhau: màu luxury bảng lảng, bông phèng. Dự án siêu sang thì thượng đỉnh xa hoa, dự án tầm sang thì thượng lưu đẳng cấp, dự án tầm trung thì cũng đẳng cấp trao tay… Tất cả đều thượng đỉnh, thượng lưu, thượng đẳng… với những thông điệp “thượng cẳng chân cẳng tay” tung hoả mù vào câu cú, chữ nghĩa; thậm chí còn trói hết thảy những con chữ thuộc tập “thượng” vào rồi cho chúng phối ngẫu tự do, kết quả là ra cái gì đọc lên cũng lùng bùng lỗ tai, chẳng ai hiểu nổi.
Luxury vốn là thứ ai ai cũng khao khát ngay cả khi không biết nó là cái gì. Giống như người ta hay nói, sướng như lên cung trăng, mà thật ra đã có ai lên cung trăng bao giờ đâu mà biết nó sướng. Ở cung trăng có resort, có bến thuyền, có bảo tàng, có hồ bơi tràn bờ, có bún chả Obama, có cà-phê sữa đá… như ở Hà-Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài-Gòn… đâu mà ai cũng bảo sướng. Ấy vậy mà hễ cụ đã bảo sướng, ông đã bảo sướng, bố mẹ đã bảo sướng, thì đến con cháu, dẫu chẳng biết gì cũng phải: lên cung trăng sướng lắm.
Ở mức độ tương đối mà nói, luxury là khái niệm dùng để gắn cho những thứ có phẩm cấp cao, quý, đôi khi nó cũng ám chỉ sự xa xỉ. Hình thù/ trạng thái của cái gọi là luxury nó biến hoá, hình thành qua chất lượng và trải nghiệm chứ không có một chuẩn mực nào cả. Ví dụ như: Nhà ấy giàu do ông ấy làm quan nên bếp nhà ấy có “chef” 5 sao chỉ đạo, bữa nào ấy cũng được ăn như Tây: đủ cả khai vị, món chính và tráng miệng cùng với rượu vang hoặc ít ra cũng là siro đá bào tinh khiết; dù ấy chỉ nhấm nháp chút súp khai vị và quết qua miếng bánh tráng miệng là xong bữa; thứ thức ăn còn lại thì đổ đi hay làm gì ấy không quan tâm đến. Như thế, người ta bảo ấy là có đẳng ăn uống xa hoa. Một ví dụ khác: Bao lâu nay, ấy chỉ ăn sáng với xôi đậu, đến một ngày khấm khá chút đỉnh, ấy đã vi vu chở vợ con đi ăn phở tái nạm gầu, hẳn nhiên với ấy, bữa sáng đó nhất định là bữa sáng luxury.
Thái độ luxury có tính 2 chiều: phô trương và ẩn giữ. Khi bạn sống trong biệt thự triệu đô, lái xe hầm hố, quần áo như đi show…, bạn hãnh diện thể hiện nó ra ngoài, người ta nói: Nhỏ đó chưng diện xa hoa, sang trọng quá ta. Thế nhưng, khi bạn bỏ mặc chiếc xe Lamborghini ở nhà, bỏ qua bộ DMC casual dress mới mua treo lủng lẳng trên móc, chọn mặc jean phủi, đi Ubermoto đến ốc Khánh ngồi tán gẫu, tận hưởng trải nghiệm sống giàu có hơn, thì đó cũng là một kiểu luxury, chẳng cần ai phải bàn luận. Đừng cố gắn cho mình những biểu hiện phù phiếm của lối sống xa hoa khi thực chất bạn chẳng có thứ gì thuộc cái đẳng ấy cả. Chúng sẽ rớt, bạn sẽ bị lộ, và kết cục chẳng qua là một trò lố, không hơn.
Dự án của bạn: Nếu ý tưởng thiết kế được “dub” ra từ 3-4 dự án để bạn tiết kiệm chi phí, hồ bơi nội khu bé như cái lu, mang tính phong thuỷ (để bạn tối đa mật độ xây dựng căn hộ) thì cho dù ở quận 1/ quận 4, Mỹ Đình hay Trần Phú, bạn đừng nên ba hoa khoác loác dự án của bạn là đẳng cấp, là cao sang, là luxury gì cả. Ai chả biết ở đâu cũng có nhà ổ chuột, location chẳng thể “xốc” bạn lên-đẳng tức thì.
Hãy trung thành với việc: Bạn đang bán nhà cho ai? Với những người cả đời saving không đủ mua nhà thì bạn đâu có thèm tốn công tốn của nói chuyện với họ. Đối với những tập khách hàng hạng A/ A++ mà bạn muốn móc tiền trong túi người ta, nhà cửa không còn là một thứ xa xỉ/ cao sang nữa, bởi một người họ có khi đang sở hữu mấy villa/ nhà biệt thự và lướt sóng 3-5 căn hộ thứ dữ rồi. Bạn nói với họ về những thứ xa xỉ mang tính tiện ích & tiện nghi phổ cập ấy để làm gì? Họ cần gì cái mác xa xỉ mà bạn tha thiết thể hiện nhưng lại chẳng ra gì (đối với họ). Hãy chịu khó lê la ở những phiên mở bán các căn hộ giá tối thiểu 3, 5-7 tỷ mà xem, họ mua như mua khoai tây về chiên bột.
Dù cho họ có là chính khách, đại gia hay tiểu thương chợ Sắt, chủ sạp chợ An Đông, miễn họ có tiền thì họ cũng có chút gì khái niệm về luxury riêng của họ, hãy chắc chắn rằng bạn biết họ hình dung luxury (của họ) ra sao, trải nghiệm luxury (với họ) như thế nào.
Hấp lực của cái mác luxury chung chung nó dữ dội lắm, nhưng chỉ ép-phê với đại đa số công chúng ù ù cạc cạc mà thôi. Với những tập khách hàng cao cấp thực sự mà bạn đang nhắm đến, đừng nói với họ về sự xa hoa, đẳng cấp một cách khái quát, mù mờ và cũng đừng quen thói “đè” agency hay các nhà tư vấn truyền thông của bạn ra mà bắt họ phải “phù phép” để thứ luxury chung chung đang đính lỏng lẻo trên dự án của bạn trở thành thứ vạn-người-mê. Điều đó nghe chừng lố bịch!
Và sau cùng, hãy trung thực và trung thành với cái đẳng luxury của mình. Giai đoạn rao bán, sang tay một dự án là nhất thời nhưng đẳng-cấp của dự án ấy (nếu có) phải là vĩnh viễn. Đừng để người mua một căn hộ cao cấp trong khu đô thị hạng sang (như bạn gắn mác) sau này phải sững sờ khi thấy mình phải xuống hồ bơi rooftop tràn bờ, trầm mình cùng với những khách bơi vãng lai “săn” vé bơi giá rẻ từ mấy cái deal sốc chớp nhoáng trên góc web thương mại điện tử ngoài kia. Bạn luôn phải giữ trải nghiệm luxury là thứ thuộc-về, có chọn lọc, đúng tầm. Điều này đâu có dễ.
Luxury, một thuộc-tính ai cũng có quyền sử dụng nhưng ai mới thực sự sở hữu và biến nó thành một thứ thuộc-về? Thách thức đó dành cho bản lĩnh và sự hiểu biết của những người làm mar-comm bất động sản. Nếu họ không nghĩ về luxury như vậy thì… thôi, cứ mặc kệ nó đi.
Zennie Trang Nguyen
Nguồn: Brands vietnam