P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Dưới đây là những nhận định từ Ts. Trần Sĩ Chương. Ông từng là Cố vấn Kinh tế và Tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Kinh tế Phát triển quốc tế James Riedel Associates, Inc. tại Washington, D.C. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển DN tại Hoa Kỳ, công ty đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam và các DN trong nước.
Ông hiện là Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nhân sự Le & Associates, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện Chất lượng cao Đà Nẵng. Từ năm 2014 đến nay là thành viên HĐQT độc lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Gần đây, mạng xã hội xôn xao bàn tán về tô bánh canh cua giá 300.000 đồng của một quán lề đường vẫn được nhiều người chờ mua. Câu chuyện này gợi lên suy nghĩ rằng giá cả trong kinh doanh có phải là yếu tố quyết định tính cạnh tranh hay không?
Không ít doanh nghiệp (DN) cho rằng giảm giá là điều kiện cần để cạnh tranh. Đây là sự ngộ nhận nguy hiểm. Vì việc giảm giá sản phẩm có thể không mang lại lợi thế nhiều như chúng ta nghĩ, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu. Một số trường hợp giảm giá sản phẩm xuống quá thấp, người mua sẽ có cảm giác sản phẩm không tốt.
Mặt khác, xét trên công thức: Giá trị = chất lượng/giá, trong đó chất lượng là mức độ hài lòng của người tiêu thụ một sản phẩm hay dịch vụ. Theo đó, việc giảm giá đồng thời vẫn duy trì được chất lượng hoặc làm tốt hơn thì giá trị gia tăng. Nhưng nếu giảm giá dẫn đến tình trạng giảm chất lượng làm cho giá trị tương đối bị giảm thì tính cạnh tranh cũng giảm theo. Ví dụ, một sản phẩm được giảm giá 25% nếu vẫn duy trì được chất lượng thì giá trị tăng 25%.
Nhưng nếu giảm giá 25% và phải chấp nhận chất lượng nguyên vật liệu đầu vào kém làm giảm chất lượng sản phẩm 50% thì giá trị bị giảm 25%. Nếu tiếp tục giảm giá làm chất lượng ngày càng kém đi thì giá trị sẽ bị giảm đến mức không còn được thị trường công nhận và sản phẩm cũng không còn tồn tại được nữa. Như vậy, nếu DN tập trung vào chất lượng thì vẫn có khả năng tăng giá tương đối mà giá trị sản phẩm cũng tăng.
Tóm lại, có thể khẳng định yếu tố quyết định tính cạnh tranh là giá trị chứ không phải giá. Vì suy cho cùng, giá trị là mức độ lợi nhuận người tiêu dùng công nhận cho một sản phẩm hay dịch vụ mà họ có sự hài lòng nhất định, đó là khi sản phẩm được quý (vì cần) và mến (vì hài lòng với chất lượng và có giá trị so với giá).
Một sản phẩm nếu được công nhận là có giá trị lớn hơn giá trị sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh thì dù giá bán có cao vẫn có thể phát triển bền vững và có được mức lợi nhuận cao hơn. Và giá trị cũng là yếu tố quyết định khả năng tăng trưởng, lớn mạnh của mỗi cá nhân, DN, quốc gia.
Câu trả lời là hãy tập trung liên tục phát huy chất lượng. Điều kiện tiên quyết để phát huy chất lượng là liên tục đặt câu hỏi cho chính mình như có cách nào để làm được việc đang làm tốt hơn không, phương pháp nào làm ra sản phẩm chất lượng mà ít tốn kém nhất? Và mỗi người đều bắt đầu từ những việc đơn giản nhất.
Đó cũng là công việc của Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong mỗi DN, nếu nói một cách chuyên nghiệp hơn. Thực tế, không ít DN ý thức được R&D là hoạt động cần thiết nhưng việc thành lập bộ phận R&D bài bản thì không nhiều DN thực hiện.
Nếu như một gánh bánh canh cua luôn tìm cách làm cho nước dùng ngon hơn, bánh canh thơm hơn… thì bộ phận R&D cần phải nghiên cứu cải tiến các quy trình sản xuất hiện có như cải tiến về công nghệ, máy móc, phương pháp sản xuất, thay thế nguyên vật liệu… sao cho đạt năng suất mà ít tốn kém. Việc thường xuyên cải tiến sản phẩm, đưa ra sản phẩm mới cũng là nhiệm vụ của bộ phận R&D và là một yêu cầu khách quan đối với DN trong tiến trình phát triển cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể thấy những con rồng kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông… từ những ngày đầu đã quyết tâm thực hiện chiến lược cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao nhất có thể. Đó cũng là chiến lược của DN các nước này để đi lên cùng đất nước.
Những nước dù có điều kiện địa lý thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên nhưng nếu không có sự quyết tâm tập trung vào chất lượng mà bị cuốn vào vòng xoáy cung cấp lao động giá rẻ để giải quyết bài toán thất nghiệp ban đầu thì sẽ không bao giờ có cơ hội cất cánh vì bị sa vào bẫy thu nhập trung bình. Số phận của một DN hoặc một cá nhân cũng tương tự. Nếu không có quyết tâm tự đào tạo, học hỏi và có tư duy sáng tạo thì sẽ phải chấp nhận số phận “lấy công làm lời”.
Ts. Trần Sĩ Chương
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn