3 dự báo cho thương mại điện tử Việt Nam bước vào 2020 – BSOVN - Giải Pháp cho doanh nghiệp Việt

Chào mừng các bạn đến với Công Ty Tư Vấn và Giải Pháp Công Nghệ BSO

1/3/13 Nguyễn Thái Sơn

P.3, Q. Gò Vấp, HCM

8:30 AM - 7:00 PM

Thứ hai đến thứ bảy

Th2 02, 2020
by

3 dự báo cho thương mại điện tử Việt Nam bước vào 2020

Tiến vào thập kỷ mới, ngành thương mại điện tử Việt Nam cũng sẽ đồng thời tiến vào một kỷ nguyên mới trong xu hướng cạnh tranh và cơ hội phát triển.

2019 là một năm với rất nhiều biến động của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Bắt đầu với sự xuất hiện của Voso.vn mang tham vọng trở thành số 1 Việt Nam, đến các thương vụ gọi vốn thành công của Sendo, Tiki, Lozi, và kết thúc bằng việc đóng cửa bất ngờ của Lotte.vn và Adayroi.

Trước tình hình đó, 2020 hứa hẹn sẽ mang đến rất nhiều những cái mới trong cách các công ty TMĐT cạnh tranh và kinh doanh. Công ty so sánh và tìm kiếm iPrice Group, đơn vị thực hiện dự án Bản đồ TMĐT, mới đây đã dự đoán 3 xu hướng chính của TMĐT Việt Nam trong năm mới 2020.

1. Lợi nhuận đóng vai trò quan trọng hơn

Các năm qua, mặc dù liên tục nhận được các khoản đầu tư khủng và phá nhiều kỷ lục về lượng người sử dụng, các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa bao giờ đạt lợi nhuận dương. Trong năm 2018, tổng mức lỗ của bốn công ty Lazada Việt Nam, Tiki, Shopee Việt Nam và Sendo lên đến 5.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh cần educate người tiêu dùng về TMĐT thì việc các công ty TMĐT chịu lỗ nhiều năm là dễ hiểu. Tuy nhiên, thị trường năm 2019 đã có những biến chuyển lớn có khả năng gây ảnh hưởng đến chiến lược “đốt tiền” này.

Nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc startup kỳ lân WeWork hồi giữa năm ngoái bị phát hiện lỗ nặng và không cho thấy triển vọng đạt lợi nhuận. Sự kiện này buộc các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn nhằm tránh gặp phải một WeWork thứ hai.

Xu hướng đó lặp tức gây ảnh hưởng đến giới startup công nghệ châu Á. Tại Ấn Độ, hai công ty trước đó đang phát triển nhanh là startup gọi xe Ola và startup đặt phòng OYO cắt giảm hàng nghìn nhân sự nhằm giảm lỗ.

Tại Indonesia, sàn TMĐT Bukalapak mới đây cũng cho thôi việc 250 nhân viên. Giải thích cho quyết định này, ông Teddy Oetomo, Giám đốc Chiến lược của công ty, cho biết họ muốn nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững thay vì chỉ tăng trưởng ngắn hạn như trước.

Còn tại Việt Nam, việc liên tiếp Adayroi và Lotte.vn đóng cửa do công ty chủ quản thay đổi định hướng kinh doanh là những chỉ báo đầu tiên cho xu hướng tập trung hơn vào những hoạt động kinh doanh có lãi.

Tiến vào năm 2020, các công ty TMĐT top đầu Việt Nam vẫn có dư dả tiền để “đốt”. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng chung, iPrice Group dự đoán các công ty này sẽ dần chuyển sang theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận cụ thể thay vì chỉ chạy đua về lượng người dùng như trước.

2. Giao hàng nhanh tiếp tục là yêu cầu bắt buộc

Theo một nghiên cứu do iPrice Group và Parcel Perform đồng thực hiện năm 2018, có đến 34.1% người mua hàng trực tuyến tại Đông Nam Á chưa hài lòng với các dịch vụ chuyển phát hàng TMĐT. Cũng theo nghiên cứu này, Việt Nam đứng áp chót trong khu vực về thời gian giao hàng trung bình.

Nhận thấy đây là một điểm yếu ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng tại Việt Nam, trong năm 2019, đồng loạt các công ty TMĐT đã tung ra các cam kết về giao hàng nhanh.

Nổi bật trong số này có Tiki với TikiNow, cam kết giao hàng nhanh trong hai giờ. Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2019, Tiki ráo riết thực hiện mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống vận hành, kho bãi trên khắp cả nước.

Nối tiếp Tiki, các đối thủ lớn của họ cũng lần lượt giới thiệu các dịch vụ tương tự. Shopee Việt Nam tung ra chương trình giao hàng nhanh trong 4 giờ còn Sendo cũng cam kết giao hàng trong 3 giờ tại TP.HCM.

Bước sang năm 2020, giao hàng nhanh vẫn sẽ là một trong các yêu cầu hàng đầu của người tiêu dùng đối với ngành TMĐT. Theo báo cáo Thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2019-2020 của Q&Me thì giao hàng nhanh hiện nằm trong top 5 các điểm thu hút người tiêu dùng đến với các trang mua sắm trực tuyến.

Như vậy, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ giao hàng nhanh chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020 và kết quả của cuộc đua này rất có thể sẽ là yếu tố quyết định thành bại của các công ty TMĐT trong những năm tới.

3. Cơ hội cho các công ty TMĐT top dưới

Năm 2019 chứng kiến sự ra đi của một số đơn vị TMĐT lớn như Adayroi, Lotte.vn và Robins.vn nhưng kèm theo đó cũng là sự trỗi dậy của các công ty startup không quá lớn nhưng thật sự năng động và hiệu quả.

Đáng chú ý trong số này là Lozi, cổng TMĐT này vào tháng 10 vừa qua công bố đã nhận được khoảng đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Điểm sáng của Lozi là họ sở hữu hẳn một hệ thống giao vận riêng dưới thương hiệu LoShip, mang lại lợi thế trong cuộc đua giao hàng nhanh.

Bên cạnh Lozi là những cái tên khác như Telio, trang TMĐT hướng đến đối tượng khách hàng là người bán, hay Leflair, trang TMĐT với thế mạnh về các sản phẩm hàng hiệu. Hai công ty này trong năm 2019 cũng nhận được các khoản đầu tư nhiều triệu đô để phục vụ cho mục tiêu mở rộng.

Một yếu tố tạo điều kiện cho sự thành công của các startup này là nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng của người dân Việt Nam. Theo Báo cáo Bản đồ TMĐT Quý 3 năm 2019 của iPrice Group thì lượng truy cập vào các website TMĐT của Việt Nam hiện đã cao gấp đôi so với Thái Lan và gấp bốn so với Malaysia.

Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến lên cao thì người tiêu dùng cũng sẽ có những đòi hỏi cụ thể hơn về chất lượng dịch vụ và chủng loại hàng hóa. Và đây chính là cơ hội tuyệt vời cho những startup ra đời để phục vụ cho các nhu cầu này như Lozi, Telio, Leflair hay Fado.vn.

Trong năm 2020, iPrice dự báo ngành TMĐT Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các công ty TMĐT vừa và nhỏ theo xu hướng này.

Đặng Đăng Trường

(iPrice Group)

Chia sẻ:

Call Now Button
Gửi tin nhắn facebook