P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Để có cái nhìn cụ thể hơn về tình hình kinh doanh, tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Sapo đã thực hiện khảo sát hơn 5.000 chủ doanh nghiệp, trong tệp gần 70.000 khách hàng của mình. Bức tranh kinh doanh phản ánh thực tại năm 2019 và một số xu hướng nổi bật năm 2020.
Mặc dù doanh thu trung bình của mỗi shop năm 2019 là 1,65 tỷ đồng, có tăng trưởng gần 10% so với năm 2018. Tuy nhiên con số đáng buồn cho tình hình kinh doanh năm vừa qua đó là có tới gần 40% shop được khảo sát cho biết họ không tăng trưởng và kém hơn năm ngoái. Con số tăng trưởng tốt trên 30% doanh thu chỉ chiếm khiêm tốn hơn 12%, trong khi năm ngoái là gần 18%.
Điều đáng chú ý đó là những shop thâm niên trên 3 năm đang sở hữu mức doanh thu trung bình năm 2019 khá cao, khoảng trên 2 tỷ đồng nhưng có gần 50% trong số họ chia sẻ không tăng trưởng thậm chí còn đi lùi so với năm 2018. Chứng tỏ khi đến thời điểm bão hòa, để giữ vững phong độ tăng trưởng không hề dễ dàng. Nếu không có sự đột phá, thay đổi, bắt kịp xu thế thị trường, những “lão làng” này rất dễ rơi vào trạng thái ì ạch, nguy hiểm hơn là xuống dốc.
Theo như chia sẻ của những shop không tăng trưởng khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh không bằng năm ngoái, phần lớn các shop đang bị phụ thuộc quá nhiều vào một kênh bán hàng, chưa có nguồn lực hoặc chưa biết tận dụng thế mạnh của từng kênh để tăng trưởng doanh thu.
Theo kết quả khảo sát, top các kênh bán hàng được sử dụng phổ biến và đánh giá hiệu quả nhất lần lượt là: Facebook, Bán tại cửa hàng, Website, Shopee, Zalo và Đại lý/Cộng tác viên. So với các shop không tăng trưởng, các shop có tăng trưởng cho biết họ có sử dụng các kênh Mạng xã hội và Sàn TMĐT nhiều hơn, đồng thời, họ cũng chi ngân sách trung bình chạy quảng cáo trên các kênh như sàn TMĐT, Instagram, Tiktok và Zalo cao hơn từ 25-50%.
Bán hàng trên các sàn TMĐT trong 2-3 năm gần đây có xu hướng tăng khá nhanh, đặc biệt trong tệp hơn 5.000 shop trả lời khảo sát của Sapo.vn, top 4 sàn được bán phổ biến nhất lần lượt là Shopee, Lazada, Sendo, Tiki. Trong đó, các chủ shop bán đồng thời trên cả 4 sàn này chiếm gần 40%. Năm 2020, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn với nhóm các sàn TMĐT này.
Ngoài ra, bên cạnh kênh phổ biến nhất là Facebook, các mạng xã hội khác như Zalo, Instagram, Tiktok dự kiến cũng có những đột phá mới trong năm 2020.
Top 5 lĩnh vực được kinh doanh nhiều nhất năm 2019 lần lượt là Thời trang – phụ kiện (23,9%), Công nghệ – điện tử (13,1%), Mỹ phẩm – làm đẹp (9,7%), Nội – ngoại thất (6,6%), Thực phẩm (6,5%).
Chưa tính các chi phí khác như nhân sự, mặt bằng,…, riêng tỷ suất ngân sách quảng cáo/doanh thu trung bình của các shop Thời trang – phụ kiện năm 2019 là gần 19%. Cụ thể, trung bình mỗi shop thời trang – phụ kiện đang chi tiêu quảng cáo khoảng hơn 265 triệu/năm nhưng chỉ thu về trung bình 1,4 tỷ đồng. Tỷ suất ngân sách quảng cáo so với doanh thu này của ngành Mỹ phẩm – Làm đẹp là hơn 11%, Nội – ngoại thất là hơn 10%, Công nghệ – điện tử và Thực phẩm ở mức hơn 9%.
Thời trang – phụ kiện là lĩnh vực có thị trường lớn, nhu cầu cao và đặc biệt là dễ dàng tham gia bởi lượng nguồn hàng phong phú đa dạng. Đây cũng là một trong những ngành có sức cạnh tranh thuộc top đầu. Con số gần 24% shop được khảo sát đang kinh doanh lĩnh vực này và thực tế ngân sách quảng cáo tiếp thị trung bình đã chi năm 2019 đã phản ánh được điều đó.
Năm 2019 khép lại, có những nốt thăng trầm khác nhau, chung quy lại tình hình 2019 đã thấy sự phân hóa rõ ràng giữa những shop “ăn nên làm ra” và những shop ì ạch, chậm phát triển. Không phủ nhận bán hàng đa kênh đang là xu hướng tất yếu khi có tới 92% shop bán từ 2 kênh trở lên. Đây là cơ hội nhưng cũng tạo ra rất nhiều thách thức cho những người kinh doanh. Trong đó nguồn nhân lực và vốn triển khai là những vấn đề bức thiết nhất. Biết tận dụng thế mạnh của từng kênh, kết hợp với công nghệ tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hiệu quả kinh doanh, các shop sẽ có thêm bước đệm tăng trưởng trong những năm sau.
Vũ Ngọc Mai
Nguồn: Brands Vietnam