Ví điện tử trong cuộc đua tranh phát triển hệ sinh thái – BSOVN - Giải Pháp cho doanh nghiệp Việt

Chào mừng các bạn đến với Công Ty Tư Vấn và Giải Pháp Công Nghệ BSO

1/3/13 Nguyễn Thái Sơn

P.3, Q. Gò Vấp, HCM

8:30 AM - 7:00 PM

Thứ hai đến thứ bảy

Th3 07, 2020
by

Ví điện tử trong cuộc đua tranh phát triển hệ sinh thái

Dự báo đến năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỉ đô la Mỹ. Các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường này. Trong đó, ví điện tử đang hoạt động sôi nổi và hấp dẫn nhất.

Theo bản khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc trường Đại học Quốc gia TPHCM, Việt Nam hiện có hơn 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Trong số này có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán và 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay.

Nhiều ví điện tử cho người dùng lựa chọn

MoMo, Zalopay, VNpay, Viettelpay, Moca… đang là những ví điện tử được đông đảo người dùng nhắc đến hiện nay. MoMo đang được xem là một trong những ví nổi trội nhất của Việt Nam hiện nay với hơn 12 triệu người sử dụng, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, 22 ngân hàng liên kết. MoMo đã xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng với 10.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống…

Payoo là một trong những ví điện tử đầu tiên kết nối với những nhà cung cấp hóa đơn tiện ích như điện, nước, truyền hình, Internet, điện thoại… Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 3 tỉ đô la/năm. Một ứng dụng thanh toán di động khác là ZaloPay dựa vào mạng lưới 100 triệu người dùng đã đăng ký với công ty mẹ VNG, một nền tảng giải trí và truyền thông xã hội trực tuyến.

Hai nhà mạng di động hàng đầu Việt Nam là Viettel và VNPT-Vinaphone cũng là những “ông lớn” trong làng ví điện tử Việt Nam nhờ tận dụng lượng khách hàng là các thuê bao di động của chính mình. Chẳng hạn, VNPT Pay phục vụ cho gần 30 triệu người dùng, còn ViettelPay đang có hơn 6 triệu lượt khách hàng tải ứng dụng.

Sức hấp dẫn của thị trường trong nước khiến nhiều công ty nước ngoài cũng nhảy vào “cuộc chiến”. Chẳng hạn, Công ty công nghệ SEA Group có trụ sở ở Singapore đã hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (VED) để triển khai dịch vụ thanh toán AirPay tại Việt Nam. Thậm chí các loại ví hàng đầu của Trung Quốc như Alipay, Wechat cũng không bỏ lỡ cơ hội “tấn công” vào thị trường đầy tiềm năng này.

Cạnh tranh quyết liệt

Thị trường Việt Nam hiện đang chứng kiến hai xu hướng phát triển của các ví điện tử: một là sáp nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn, hai là tự phát triển hệ sinh thái cho riêng mình. Dù theo xu hướng nào thì sự cạnh tranh giữa hàng chục ví điện tử vẫn diễn ra khốc liệt. Trong đó, yếu tố sức mạnh tài chính sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thành bại.

Đại diện cho xu hướng thứ hai có thể kể đến các ví như MoMo, VNPTPay, Payoo… Chia sẻ về chiến lược phát triển của mình, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc ví điện tử MoMo, cho biết “Trong năm 2019, thực hiện chủ trương của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong các lĩnh vực dịch vụ công, hành chính công. Ví MoMo đã có những hợp tác sâu rộng với các tỉnh, thành phố lớn, các trường học, bệnh viện… triển khai thanh toán điện tử cho các cơ quan hành chính, thanh toán viện phí, học phí. Mục tiêu lớn nhất của Ví MoMo là phục vụ cho mọi nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam”.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần trực tuyến Cộng đồng Việt – chủ sở hữu ví Payoo, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã áp dụng công nghệ để tạo ra nền tảng trung gian thanh toán Payoo, kết nối trực tiếp với hơn 40 ngân hàng, gần 300 đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích và hơn 10.000 điểm thanh toán trên toàn quốc”. Chia sẻ về hướng phát triển của Payoo trong thời gian đến, ông Lĩnh nói: “Payoo sẽ mở rộng số lượng dịch vụ, liên kết với các đối tác mới. Mục tiêu cuối cùng là tạo tiện lợi hơn cho khách hàng khi thanh toán bất kỳ sản phẩm, dịch vụ gì, ở bất kỳ đâu, cả trực tuyến và trực tiếp”.

Trong khi đó, điển hình cho xu hướng thứ nhất là vụ Grab “hợp tác” Moca – một dịch vụ trung gian thanh toán của Việt Nam – vào tháng 9-2018. Ở thời điểm đó, chia sẻ trên tạp chí Forbes, đại diện Grab cho rằng: “Moca đã có mặt tại thị trường rất lâu, sản phẩm tốt và có mối quan hệ với nhiều ngân hàng, đối tác như như 7-Eleven, McDonald’s. Điều này rất quan trọng với Grab khi tiến vào thị trường mới, đồng thời bảo đảm vấn đề tuân thủ tính pháp lý”. Hiện tại Moca đang được sử dụng để thanh toán cho rất nhiều dịch vụ của Grab như gọi xe, hóa đơn, giao hàng…

Từ hoạt động “thâu tóm” các startup để phát triển nhanh hơn của xu hướng thứ nhất, nhiều doanh nghiệp có lợi thế tài chính đang triển khai nhanh và mạnh các dịch vụ kết nối xung quanh nhằm xây dựng hệ sinh thái cho riêng mình. Chẳng hạn, Công ty SEA Group – chủ sở hữu AirPay – sau khi mua lại cổ phần của Foody (công ty chuyên đánh giá các dịch vụ ăn uống tại Việt Nam) đã “biến” ví điện tử AirPay trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức cho Foody và dịch vụ giao đồ ăn DeliveryNow của công ty. Hay như Công ty VNG, vừa có ví ZaloPay vừa đầu tư vào sàn thương mại điện tử Tiki nên đã kết hợp hai sản phẩm này lại với nhau trong hệ sinh thái riêng của mình…

Trung Thanh
Nguồn: Saigon Times

Chia sẻ:

Call Now Button
Gửi tin nhắn facebook