P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), chia sẻ góc nhìn của nhà đầu tư về sự việc trên.
* Ông có thể chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của nhà đầu tư về vụ việc Món Huế đóng cửa hàng loạt?
Tôi quen một số người đứng đầu chuỗi nhà hàng Món Huế thuộc sở hữu của Công ty Huy Việt Nam và Tổng giám đốc Huy Nhật từ năm 2006. Tôi đã từng đặt câu hỏi tại sao mình không đầu tư vào đấy vì lực lượng nhân tài phía sau Món Huế có thể là một bảo chứng cho dự án này.
Món Huế đã huy động được rất nhiều vốn ngoại từ những quỹ đầu tư tên tuổi như quỹ đầu tư khổng lồ Templeton của nhà đầu tư nổi tiếng Mark Mobius. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã đặt câu hỏi về chất lượng dự án vì chưa tin về khả năng thành công.
Thời gian gần đây, những thông tin về sự sụp đổ của Món Huế có lẽ đang làm thị trường sốc nhưng đối với giới đầu tư thì đã có những dấu hiệu báo trước khoảng bảy tháng gần đây. Nhiều trụ cột của Món Huế đã lần lượt rời bỏ công ty. Tôi cho rằng cách mà Món Huế đóng cửa mới thực sự làm những người trong lĩnh vực đầu tư sốc. Với người quản lý chuyên nghiệp, khi gặp những thách thức trong kinh doanh thì sẽ đứng ra giải quyết. Họ sẽ phải là người ra trước công chúng đưa ra thông tin về công ty, dù chỉ là thông báo công ty đang làm việc với ngân hàng, các nhà đầu tư khác, các nhà cung cấp và nhân viên về việc giải quyết tình trạng nợ. Tuy vậy, rất tiếc Huy Việt Nam đã không chọn cách này.
* Món Huế đã phát triển chuỗi cửa hàng rất nhanh tại những điểm có giá thuế mặt bằng rất đắt đỏ. Nếu chỉ quan sát số lượng khách hàng và giá cả các món ăn cũng có thể đoán công ty này khó đạt được lợi nhuận. Tại sao các nhà đầu tư lại đầu tư vào một doanh nghiệp “đốt tiền” chịu lỗ như vậy?
Món Huế đã muốn phát triển tổng doanh thu thật nhanh bằng cách thuê hàng loạt cửa hàng ở những vị trí đắt đỏ như cách các startup công nghệ mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, họ có thể đã tính sai về khả năng đạt được tổng doanh thu như dự toán trong ngành ăn uống. Chi phí thuê mặt bằng quá đắt đã giết chết công ty khi thu không đủ bù chi. Họ còn sai nghiêm trọng hơn khi không chú trọng vào nghiên cứu nhu cầu khách hàng, giá tiền của món ăn, chất lượng và các đối thủ dẫn đến sản phẩm không được thị trường hưởng ứng. Hơn nữa, Công ty Huy Việt Nam lại có nhiều tham vọng mở thêm nhiều thương hiệu ngoài Món Huế vì cho rằng như vậy sẽ tăng giá trị của công ty.
Theo tôi được biết, các nhà đầu tư của Món Huế đã thường xuyên được báo cáo kết quả tốt. Tuy nhiên, nhà điều hành có thể đã không cung cấp báo cáo minh bạch.
Có thể ai đó sẽ đặt câu hỏi rằng nhà đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hiệu quả của món đầu tư mình bỏ ra mà chỉ dựa vào kết quả báo cáo một chiều của Huy Việt Nam. Phần đông những nhà đầu tư vào Món Huế là từ quỹ đầu tư nước ngoài, họ có rất nhiều vốn đầu tư dàn trải từ tổng số vốn của mình thì sẽ không đủ thời gian và nguồn lực để kiểm chứng tất cả các báo cáo từ các nơi mình đầu tư vào. Ví dụ một nhà đầu tư mang 100 triệu đô la để đi đầu tư vào nhiều danh mục khác nhau chỉ có thể tập trung kiểm soát ở một số danh mục chính đại diện 60-80% của vốn mình. Quỹ Tempeton đầu tư 25 triệu đô la vào Món Huế nhưng họ lại đầu tư cả trăm triệu đô la vào những danh mục khác.
Đối với các công ty có tiềm năng vẫn có thể thu hút được vốn đầu tư khi gặp lúc thua lỗ. Lúc này, lãnh đạo công ty phải thể hiện sự minh bạch và đưa ra các hướng giải quyết một cách chuyên nghiệp để nhà đầu tư yên tâm hơn.
* Theo ông, có ảnh hưởng tiêu cực nào đến khả năng thu hút đầu tư của các startup trong nước sau này qua sự việc này không?
Không chỉ có sự việc của Món Huế, trên thị trường đầu tư đã có một số điểm tối làm các nhà đầu tư ngoại cẩn trọng hơn khi vào thị trường Việt Nam. Công ty Quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) đã đầu tư vào nhà thuốc Mỹ Châu vào năm 2016. Chúng tôi cũng không liên lạc được bà Lê Thị Mỹ Châu khi hợp đồng không được thực hiện như thỏa thuận và kết quả kinh doanh không đạt được như dự toán. Qua sự việc này, chúng tôi đã mất tất cả vốn đầu tư vào Mỹ Châu và nhận thấy rằng nhà đầu tư cần phải soạn thảo hợp đồng chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong những hợp đồng đầu tư. Khi nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại vì những vấn đề lừa đảo thì họ sẽ không trở lại Việt Nam nữa.
Những nhà đầu tư ngoại khác cũng sẽ thận trọng hơn khi được giới thiệu các dự án trong nước. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn hấp dẫn nhà đầu tư. Những công ty tư nhân độc lập và minh bạch như Vinamilk, FPT và Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục thu hút vốn ở dài hạn. Thế Giới Di Động được các nhà đầu tư nâng đỡ vì doanh nghiệp này chứng minh được khả năng tự thân vận động mà không cần sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Họ đi lên bằng công nghệ và trải nghiệm của khách hàng. Cách kinh doanh minh bạch của họ cũng làm yên tâm nhà đầu tư.
* Mới đây đã có nhà đầu tư giấu tên đang xuất hiện lên các mặt báo và tuyên bố rằng mình sẽ đổ tiền vào đầu tư Món Huế dù phải dọn dẹp món nợ khủng từ công ty này. Đây có phải là một nhà đầu tư “ngây thơ” vẫn tin vào tương lai của Món Huế?
Tôi không biết nhà đầu tư này có thật hay không (nhà đầu tư giấu tên giấu mặt)! Tuy nhiên, theo tôi nếu Món Huế tái cấu trúc, vẫn còn đáng để đầu tư vì nhiều tài sản vẫn còn đó với giá rẻ hơn nhiều.
* Theo ông thì doanh nghiệp nên trang bị cho mình những gì để thu hút được đầu tư, kể cả khi thông tin bị thua lỗ xuất hiện trên báo chí?
Đối với các công ty có tiềm năng vẫn có thể thu hút được vốn đầu tư khi gặp lúc thua lỗ. Lúc này, lãnh đạo công ty phải thể hiện sự minh bạch và đưa ra các hướng giải quyết một cách chuyên nghiệp để nhà đầu tư yên tâm hơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến độ minh bạch trong kinh doanh, nhất là đối với nhà đầu tư ngoại. Họ sẽ yêu cầu các báo cáo định kỳ có kiểm toán Big 4 (bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới). Nếu nhà đầu tư nằm trong hội đồng quản trị của một công ty thì họ cũng yêu cầu sự hợp tác của ban điều hành công ty. Nếu ban điều hành công ty không hợp tác, muốn giấu nhẹm thông tin bằng cách nào đó thì nhà đầu tư sẽ xử lý theo hợp đồng, pháp lý hay rút vốn.
Đối với các startup, nếu muốn thu hút đầu tư thì nên nghĩ đến kế hoạch dài hạn để bảo đảm cho các nhà đầu tư, khi muốn, có thể rút tiền ra (EXIT strategy) trong thời gian nào đó, khoảng ba năm chẳng hạn. Kế hoạch đó có thể là IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), mua bán và sáp nhập (có thể là bán cho nhà đầu tư hay những đối tác chiến lược) hoặc bán lại cổ phần cho nhà sáng lập khi startup đã có lời.
Mỹ Huyền
Nguồn: Saigon Times