COVID-19 có phải là cú hích lớn với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam? – BSOVN - Giải Pháp cho doanh nghiệp Việt

Chào mừng các bạn đến với Công Ty Tư Vấn và Giải Pháp Công Nghệ BSO

1/3/13 Nguyễn Thái Sơn

P.3, Q. Gò Vấp, HCM

8:30 AM - 7:00 PM

Thứ hai đến thứ bảy

Th4 23, 2020
by

COVID-19 có phải là cú hích lớn với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

Tổng giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng COVID-19 không là cú hích thay đổi thị trường. Nhưng trong thời gian giãn cách 3 tuần vừa rồi đã có rất nhiều người có cơ hội thử các phương thức thanh toán mới. Hết bệnh dịch họ sẽ xem đây là một phương tiện thay thế cho tiền mặt và từ đó dần dần thay đổi thói quen và thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng.

COVID-19 có phải cú hích cho ngành fintech?

Trong bối cảnh dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt đang thể hiện ưu điểm khi tránh việc tiếp xúc trực tiếp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, NHNN đã có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Hình thức mua hàng thanh toán tiền mặt lộ khuyết điểm trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19

Gần đây nhất ngày 31/3/2020, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng, thời gian thực hiện từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

“Qua theo dõi của chúng tôi, giao dịch thanh toán trực tuyến của Napas có tăng so với 2019. Tuy nhiên về tổng thể số lượng giao dịch trong thời gian giãn cách xã hội giảm khoảng 10%, giảm 20% về mặt giá trị giao dịch.

Thực tế trong thời gian bệnh dịch, đa phần nhu cầu của mọi người tập trung vào các nhu cầu thiết yếu như lương thực thực phẩm, các hàng hóa phục vụ cho y tế cũng như giáo dục, còn các nhu cầu khác hàng ngày đều cắt giảm ở mức tối đa nên số giao dịch không tăng được như mọi người kỳ vọng. Người Việt Nam chưa tin vào người bán trên mạng nên vẫn có thói quen khi nhận hàng mới trả tiền”, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) nhận xét về thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn vừa qua trong phóng sự của VTV.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas)

Theo ông Hưng, bên cạnh doanh nghiệp đang triển khai rất mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt thì còn có các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang thanh toán tiền mặt là chủ yếu vì mọi người vẫn e ngại công khai doanh số bán hàng. Theo đánh giá của Napas, đây cũng là một trong những rào cản trong việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Tuy nhiên dịch COVID-19 vừa qua với những doanh nghiệp có hạ tầng tốt thì vẫn tiếp tục cung cấp hàng hóa dịch vụ. Với các đơn vị chưa chuẩn bị hạ tầng tốt, vẫn thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt thì sẽ thấy có sự so sánh rất rõ ràng. Đây cũng là dịp nhìn lại lợi ích của việc chuẩn bị sẵn hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng các phương thức thanh toán mới sẽ giúp việc kinh doanh liên tục được, không bị đứt gãy trong thời gian dịch bệnh.

Ví dụ theo số liệu của VinID, ngay trong thời gian thử nghiệm 2 tính năng Đi chợMua sắm, chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đơn vị này đã nhận được hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, phục vụ trên 500.000 lượt đặt đơn hàng và 5 triệu lượt truy cập. Hiện 2 tính năng này đã sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng tại 2 vùng dịch lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP.HCM và sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ra các tỉnh, thành khác trên cả nước trong thời gian tới.

Theo thống kê nhanh của VinID, lượng khách hàng mua chủ yếu các sản phẩm qua ứng dụng trong tháng 3 tăng so với thời điểm chưa bùng phát dịch như sau: rau củ quả (tăng 31,6%), thịt tươi sống (tăng 45,9%), gạo (tăng 66,3%), thủy hải sản, kem và sữa (tăng 41,8%). Đặc biệt có những mặt hàng đồ khô (tăng 72,4%).

Liệu sau khi dịch COVID-19 kết thúc ngành ngân hàng, fintech có thể duy trì thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân không là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo ông Hưng, một mặt COVID-19 đem đến rủi ro thách thức, một mặt cũng có những ưu điểm hay cơ hội mới, đó chính là thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển tuy nhiên vấn đề là mức độ phát triển đến đâu.

“Tôi không lạc quan COVID-19 sẽ thành cú hích thay đổi thị trường. Tôi chỉ nhận định rằng trong thời gian giãn cách 3 tuần vừa rồi đã có rất nhiều người có cơ hội thử các phương thức thanh toán mới. Hết bệnh dịch họ sẽ xem đây là một phương tiện thay thế cho tiền mặt, từ đó dần dần thay đổi thói quen và thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Qua đó sẽ tăng lượng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đưa ra nhận định khá thận trọng.

Tiềm năng thị trường thanh toán không dùng tiền mặt

Tại nhiều quốc gia, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến và là phương thức thanh toán chính chiếm tỷ trọng cao. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như ban hành các quyết định phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công…

Về phía các tổ chức tín dụng, nắm bắt được sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu ngày càng gia tăng về thanh toán trực tuyến cũng như sự tiện lợi trong thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, hầu hết các ngân hàng đã thiết lập và nâng cấp hệ thống core banking, phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh thanh toán hiện đại trên di động, trên Internet, dịch vụ nhắn tin chủ động… đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tại Hội thảo – Triển lãm Banking Vietnam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”, bà Nguyễn Thị Diễm Hiền, Giám đốc Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM cho biết, tỷ lệ tiền mặt lưu thông/tổng phương tiện thanh toán từ năm 2012 đến nay vẫn ở mức khoảng 12%/năm, tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu có xu hướng giảm.

“Điều này thể hiện nhận thức và thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có những chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng tiền mặt”, bà Hiền cho biết.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tham gia của các công ty Fintech, số lượng giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia tăng đều từ năm 2012 đến năm 2016 và bắt đầu tăng nhanh từ cuối năm 2017. Và sang năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán tiếp tục tăng mạnh, tới 23,45% so với năm 2017.

Từ năm 2015, các startup về Fintech bắt đầu phát triển tại thị trường Việt Nam, từ đó dần trở thành một tín hiệu tốt gây chú ý với cộng đồng cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, con số này còn rất khiêm tốn.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty fintech, con số này với Malaysia là 196 và Indonesia là 262. Tới Việt Nam, Momo là một trong những fintech hiếm hoi có sự góp mặt các startup tầm thế giới khi từng lọt Top 100 fintech thế giới và ứng dụng số 1 thế giới về quản lý chi tiêu Money Lover. Một vài công ty đã ứng dụng AI và khoa học dữ liệu (data-sciene) vào sản phẩm dịch vụ, đi vào cuộc sống thường ngày của rất nhiều người như FE Credit, Tima và Trusting Social.

Một tín hiệu đáng mừng là năm 2019, lượng vốn đầu tư cho các công ty công nghệ tài chính hay còn gọi là fintech tại Việt Nam chiếm tới 36% so với cả khu vực Đông Nam Á. Trong khi năm 2018, con số này chỉ gần 0%, phần nào cho thấy sự bùng nổ fintech tại Việt Nam.

Thảo Nguyên
Nguồn: CafeBiz

Chia sẻ:

Call Now Button
Gửi tin nhắn facebook