Một đế chế mới sắp hình thành – BSOVN - Giải Pháp cho doanh nghiệp Việt

Chào mừng các bạn đến với Công Ty Tư Vấn và Giải Pháp Công Nghệ BSO

1/3/13 Nguyễn Thái Sơn

P.3, Q. Gò Vấp, HCM

8:30 AM - 7:00 PM

Thứ hai đến thứ bảy

Th8 18, 2020
by

Một đế chế mới sắp hình thành

Mua lại hãng thiết kế chip ARM từ SoftBank sẽ giúp NVIDIA trở thành đế chế hùng mạnh, thống trị ngành chip bán dẫn.

Năm 2010, Jensen Huang – Giám đốc Điều hành hãng chip đồ họa (GPU) NVIDIA, đã khoe hình xăm logo NVIDIA ở cánh tay trái để chúc mừng cổ phiếu công ty đạt mức 100 USD. Sau 10 năm, con số ấy tăng lên 446,6 USD, đẩy giá trị vốn hoá của NVIDIA lên 275 tỷ USD.

Từng là một công ty nhỏ, đến nay NVIDIA đang có tham vọng thâu tóm ARM. Là cái tên xa lạ với nhiều người, song ARM là công ty thiết kế chip bán dẫn cho những chiếc điện thoại mà chúng ta sử dụng mỗi ngày.

Năm 2016, ARM được tập đoàn SoftBank của Nhật mua lại với giá 31,3 tỷ USD. Lúc đó, ARM là hãng công nghệ lớn nhất được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London. Quyết định thâu tóm ARM đến từ tầm nhìn về tương lai của Masayoshi Son, CEO SoftBank.

Tuy nhiên sau 4 năm, tình cảnh khó khăn buộc SoftBank phải bán ARM. Dưới áp lực từ các nhà đầu tư sau hàng loạt thương vụ thất bại, công ty của Anh đã “lên giàn hoả” từ tháng 4.

Tập đoàn SoftBank của CEO Masayoshi Son muốn bán hãng thiết kế chip ARM của Anh sau 4 năm mua lại. Ảnh: Telegraph

Từng có tin đồn cho rằng Samsung và Apple muốn thâu tóm ARM, tuy nhiên Samsung đã phủ nhận điều đó. Làm việc với ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, ARM cũng được cho là muốn bán mình cho Google và Qualcomm, song mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức tin đồn.

Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng, một “vị cứu tinh” bất ngờ xuất hiện là NVIDIA. Tin đồn cho biết SoftBank đang đàm phán để bán ARM cho NVIDIA với giá 32 tỷ USD, thoả thuận có thể được ký kết trong vài tuần.

Cả NVIDIA, SoftBank và ARM đều từ chối bình luận về tin đồn.

Đối với SoftBank, tập đoàn này đã thua lỗ hàng tỷ USD sau khi đầu tư vào WeWork và Uber. Nguồn tin cho biết SoftBank muốn bán ARM với giá 55 tỷ USD, nhưng áp lực từ các cổ đông đặt công ty vào tình thế phải bán càng nhanh càng tốt.

Còn với NVIDIA, thoả thuận này không chỉ đơn giản là sở hữu thương hiệu ARM.

Jensen Huang, CEO NVIDIA muốn đứng ngang hàng với Tim Cook, CEO Apple. Ảnh: CNN

Vài năm trước, NVIDIA chỉ được biết đến là hãng sản xuất GPU cho máy tính chơi game. Mua lại ARM – hãng thiết kế chip bán dẫn cho hàng tỷ thiết bị trên thị trường, sẽ giúp NVIDIA củng cố vị thế nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ, bỏ xa Intel.

Khi thành lập NVIDIA tại Thung lũng Silicon năm 1993, Jensen Huang tin rằng GPU sẽ trở thành công nghệ then chốt khi máy tính phát triển.

Từ khi ra đời đến nay, NVIDIA tập trung phát triển, sản xuất GPU cho máy tính chơi game và thiết kế đồ hoạ. Trong 10 năm qua, các GPU này còn được sử dụng cho nhiều mục đích như đào tiền điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô tự lái. Chúng mang về cho Huang khối tài sản 10 tỷ USD, còn NVIDIA thì vượt mặt Intel trên sàn chứng khoán.

“Jensen rất thích hợp với xu hướng phát triển công nghệ. Mục tiêu của ông ấy là trở thành ‘gã khổng lồ công nghệ’ tương tự Tim Cook. Ông ta muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump dưới cương vị ấy”, nguồn tin thân cận trả lời Telegraph.

Không chỉ tập trung vào game, NVIDIA đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu sang AI và máy chủ. Thâu tóm ARM là bước đi táo bạo khi giá trị mua lại có thể gấp 5 lần thương vụ lớn nhất mà NVIDIA từng thực hiện.

Với NVIDIA, sở hữu ARM sẽ giúp họ trở thành đế chế hùng mạnh. Ảnh: Investor Place

NVIDIA có dễ mua lại ARM?

Tuy nhiên, thương vụ sẽ đứng trước các rào cản pháp lý. Thoả thuận này giúp NVIDIA kiểm soát hàng tỷ chip xử lý đang hoạt động trên thị trường bên cạnh GPU mà hãng đang có. Chắc chắn thương vụ sẽ bị giám sát bởi các cơ quan chống độc quyền.

Mấu chốt của thương vụ là công nghệ của ARM được rất nhiều hãng sử dụng như Apple, Samsung, Qualcomm hay AMD. Nếu NVIDIA thâu tóm ARM, các khách hàng của ARM (vốn là đối thủ của NVIDIA) sẽ ngừng hợp tác thay vì trả tiền để mua bản quyền thiết kế từ đối thủ. Và do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Apple, Samsung, Qualcomm hay AMD tìm cách ngăn chặn thương vụ NVIDIA mua lại ARM.

“Thương vụ này sẽ giúp NVIDIA độc quyền về công nghệ, ảnh hưởng đến các đối thủ như Qualcomm”, một cựu giám đốc ARM nhận định.

Tại Trung Quốc, bộ phận hoạt động của ARM đang hỗn loạn sau khi giám đốc điều hành bị bỏ phiếu đuổi việc nhưng từ chối rời công ty. Họ cũng đang đối mặt cuộc chiến pháp lý để giành lại quyền kiểm soát.

Việc ARM bị bán cho NVIDIA – một công ty Mỹ – có thể khiến Trung Quốc không hài lòng. Nếu mua lại ARM, NVIDIA sẽ nắm 49% cổ phần trong bộ phận kinh doanh của ARM tại Trung Quốc.

Những rào cản còn đến từ quê nhà của ARM. Khi bị SoftBank mua lại, ARM đã đàm phán giữ trụ sở công ty vẫn đặt tại Cambridge (Anh), do đó bán lại cho NVIDIA sẽ khiến ARM trở thành một phần của nước Mỹ.

Những đối tác mua thiết kế chip từ ARM chắc chắn không muốn thương vụ NVIDIA thâu tóm ARM diễn ra thành công. Ảnh: CNET

Tất nhiên, tầm nhìn của NVIDIA khi thâu tóm ARM là giúp NVIDIA củng cố vị thế nhà sản xuất chip hàng đầu nước Mỹ trong bối cảnh Intel đang kinh doanh sa sút.

Nathan Brookwood, nhà nghiên cứu tại Insight 64 cho biết thoả thuận sẽ giúp NVIDIA thống trị lĩnh vực chip di động, thậm chí là máy chủ và siêu máy tính.

“Năm nay, siêu máy tính mạnh nhất thế giới sử dụng hệ thống của ARM. Nếu (NVIDIA) muốn khoe khoang điều đó, cách tốt nhất là thâu tóm họ (ARM)”, Brookwood nhận định.

SoftBank vẫn đang tìm cách giải quyết thương vụ ARM. Bán đi có lẽ là giải pháp hợp lý, song làm thế nào để vượt qua rào cản luật pháp, vấn đề tại Anh và Trung Quốc dưới áp lực tài chính từ cổ đông sẽ khiến SoftBank càng đau đầu.

Còn với NVIDIA, sở hữu ARM sẽ giúp họ trở thành đế chế hùng mạnh, đe doạ vị thế của Intel và các nhà sản xuất chip trên mọi lĩnh vực.

Phúc Thịnh
Nguồn: BizLive

Chia sẻ:

Call Now Button
Gửi tin nhắn facebook