P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Lúc tôi mới về làm giám đốc tại một đơn vị kinh doanh. Đây là lần đầu tiên quản lý một đơn vị kinh doanh mà lại là đơn vị đang chuyển đổi mô hình kinh doanh mới nên công việc của tôi nhiều bộn bề. Đối tác chiến lược đã cử một bạn “success coach” để hỗ trợ đơn vị. Những ngày đầu chúng tôi kết hợp không tốt vì công việc cứ rối tung lên và tôi không có thời gian để làm việc với bạn ấy. Sau đó bạn ấy bày cho tôi cách quản lý thời gian trong đó có một “chiêu” gọi là Balcony Time.
Câu chuyện Balcony Time nói rằng khi chúng ta khiêu vũ trong sàn nhảy, chúng ta chỉ nhìn thấy một số người ngay trước mặt nhưng khi chúng ta lên ban công trên cao chúng ta nhìn thấy toàn bộ sàn nhảy. Trên đó chúng ta mới thấy ai nhảy đẹp ai nhảy dở, chỗ này chật chội (đại dương đỏ) chỗ kia rộng (đại dương xanh) qua đó rút ra nhiều bài học. Câu chuyện này cũng đúng như giao thông ở Việt Nam, loạn xạ như sàn nhảy. Thế nên rất nhiều bạn thích mua xe gầm cao để dễ nhìn đường và dễ luồn lách.
Điều rút ra là công việc hàng ngày chúng ta cũng bận rội, rối rắm, hỗn loạn như trên sàn nhảy hay tham gia giao thông ở Việt Nam, vì vậy chúng ta cần một khoảng thời gian (1 giờ) vào cuối tuần bình tâm suy nghĩ tự đánh giá những điểm tốt và đặc biệt những điểm chưa làm tốt, tìm ra nguyên nhân của việc chưa tốt (bằng cách đặt 5 lần câu hỏi tại sao – five Why). Những việc đã tốt chúng ta làm nhiều hơn (more); những việc có thể làm tốt hơn thì tập trung làm tốt hơn (better); những việc làm không tốt thì chúng ta làm khác đi (different); những việc không hiệu quả thì chúng ta làm ít đi (less). Nếu không thấy được lợi ích là chính cho bản thân và đơn vị thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng báo cáo thành tích và che dấu khuyết điểm rất phổ biến trong nhiều cơ quan doanh nghiệp hiện nay. Chúng ta cứ ngủ quên trên hào quang quá khứ mà không đối diện với những khiếm khuyết trong hiện tại thì chúng ta không bao giờ thay đổi và tiến bộ. May mắn là chúng tôi nhận thức được vấn đề này nên đã quán triệt từ sếp đến nhân viên và qua từng tuần công việc của chúng tôi đã tốt lên rất nhiều.
Đây chính là quá trình tự phê bình (phản tỉnh) là nền tảng của việc cải tiến liên tục đã giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và công việc. Hoá ra không chỉ có các công ty của Nhật mới có Hansei (tự phê bình) và Kaizen (cải tiến không ngừng) mà rất nhiều công ty hàng đầu trên thế giới đều áp dụng rất thành công.
Nhân dịp năm mới xin chia sẻ kinh nghiệm không chỉ là quản lý thời gian mà còn là sự cải tiến công việc để mọi người tham khảo.
Chúc năm mới thắng lợi
Bùi Đỗ Mạnh
Nguồn: Quản trị và khởi nghiệp