P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
“Lúc nào họ cũng hỏi: Ý tưởng đâu, Tại sao không có 1 ý tưởng sáng ngời, wow, độc, lạ? Họ đều không chịu đi một cách bài bản”, ông Nguyễn Bá Ngọc nói.
Các công ty cứ hỏi: “Ý tưởng đâu? Phải có một ý tưởng sáng ngời, wow, độc, lạ!”
Tại sự kiện “Marketing giỏi phải kiếm được tiền” diễn ra sáng 3/11 tại TPHCM, ông Nguyễn Bá Ngọc – chủ tịch NBN Media, đã có những chia sẻ trăn trở về ngành truyền thông nước nhà. Ông Ngọc từng có hơn 10 năm làm báo trước khi khởi nghiệp với truyền thông, đã làm việc nhiều khách hàng khác nhau từ nước ngoài đến Việt Nam và thuộc nhiều ngành hàng.
Với kinh nghiệm của mình, ông Ngọc nhận định các công ty Việt Nam có cách hành xử tương đối khác với các công ty nước ngoài:
“Gần đây nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam khá nhiều, thế nhưng họ đều cực kỳ chú ý đến vấn đề ý tưởng. Lúc nào họ cũng hỏi: Ý tưởng đâu? Tại sao không có một ý tưởng sáng ngời, wow, độc, lạ?”
“Họ đều không chịu đi một cách bài bản”, Chủ tịch NBN Media nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Ngọc – chủ tịch NBN Media. Ảnh: Internet
Theo ông, thông thường mỗi sản phẩm thông thường phải đi qua ít nhất là từng tầng lần lượt, lúc đầu mới tung ra thị trường thì sự chú ý dồn vào chức năng của sản phẩm, giai đoạn sau là các giá trị về mặt cảm xúc (emotional).
“Nhưng mà các công ty không đếm xỉa đến những vấn đề đấy, chỉ chăm chăm vào ý tưởng và ý tưởng đó phải có gì đó phải độc phải lạ. Tức là nguyên tắc căn bản người ta bỏ qua luôn,” ông cho biết.
“Nhiều khi rất khó, nói thật là tin buồn”. Ông Ngọc cho biết trong thời gian tới sẽ có nhiều thương hiệu, sản phẩm “chết” đi.
“Có những công ty sẽ chết, mình nhìn thấy mà không thể cứu được”, ông Ngọc trăn trở.
Ý tưởng chỉ là bề nổi, sáng tạo phải đi sau chiến lược
Đồng cảm ông Nguyễn Bá Ngọc, ông Phạm Việt Anh – Founder, Left Brain Connectors, người đã có 20 năm tư vấn marketing cho các nhãn hàng, từng tư vấn cho các thương hiệu Coop.Mart, Trà Dr. Thanh, Vinamilk cho hay: “Chúng ta nói nhiều đến ý tưởng, truyền thông, quảng cáo. Nhưng những chiến dịch chỉ là phần surface – bề nổi”.
Và theo ông Việt Anh, cái xương sống của tiếp thị là chiến lược, tài chính, logic chứ không phải ý tưởng. “Như các cụ ngày xưa bảo, cái nội hàm quyết định cái ngoại diện. Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lột tả cái nội hàm đấy”, ông nói.
Các diễn giả tại sự kiện “Marketing giỏi phải kiếm được tiền”
Vì thế, ông Việt Anh cho rằng các chiến dịch truyền thông phải đi từ lợi ích của cả thương hiệu và do đó phụ thuộc vào từng giai đoạn của thương hiệu, sản phẩm.
“Chiến lược marketing cần nắm vững từng cái giai đoạn của doanh nghiệp và sản phẩm. Và mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với hoạt động chiến dịch promotion nào”, ông nói.
Nhà sáng lập Left Brain Connectors nêu ví dụ:
“Sản phẩm mới ra thì cần đầu tư nhiều nguồn lực để đạt mục tiêu ban đầu, là tạo ra độ phủ đủ tốt để có khả năng sinh lời”.
“Trong trường hợp sản phẩm trong giai đoạn suy thoái, việc đầu tiên cần phải làm là cắt sạch mọi chi phí liên quan đến bên thứ 3, chuyển chi phí sang R&D, hoặc tái đầu tư vào sản phẩm mới hoặc làm mới sản phẩm đó, trước khi chúng ta bắt đầu lại cái chương trình truyền thống.”
“Thấu hiểu từng giai đoạn vòng đời sản phẩm giúp cho marketing chiến lược ra những quyết định đầu tư đúng đắn hơn”, ông Phạm Việt Anh kết luận.
“Marketing giỏi phải kiếm được tiền” là series đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình mang tên “Business Talk Forum”. Sự kiện được tổ chức bởi Viện Tiếp thị & Kinh doanh Ứng dụng – Sage Academy, mang đến những kinh nghiệm từ các CEO, Founder và Giám đốc marketing trong việc tối ưu hóa hoạt động marketing, đồng thời “định nghĩa” lại giá trị cốt lõi của marketing chính là chi tiền để kiếm được nhiều tiền hơn.
Thảo Thảo
Theo Trí Thức Trẻ