Doanh nghiệp không dễ dàng chọn được một nhà vận chuyển đáp ứng mọi nhu cầu
Thương mại điện tử tăng mạnh đang kéo theo nhu cầu giao nhận hàng hóa tại Việt Nam ngày càng tăng cao, thị trường này xuất hiện hàng loạt startup, ông lớn cả trong và ngoài nước nhảy vào tham chiến như Grab, GoViet, Shipchung, ViettelPost, VNPost, GrabExpress, GoSend…
Đứng giữa hàng trăm đơn vị vận chuyển khác nhau quy mô từ lớn đến nhỏ, các chủ shop cũng gặp khó trong việc lựa chọn sử dụng đơn vị uy tín và quản lý các dịch vụ vận chuyển để đảm bảo an toàn, tối ưu chi phí.
Với từng đơn hàng sẽ có những mặt hàng, khối lượng và những yêu cầu về thời gian, địa điểm, tuyến đường và độ đảm bảo khác nhau nên việc phân loại đơn hàng cho phù hợp với từng bên vận chuyển có thể đáp ứng là một chìa khóa giúp các chủ shop tối ưu chi phí.
Theo giới kinh doanh, để làm được điều đó, trước hết các chủ shop cần thử nghiệm các bên và tìm hiểu từng điểm mạnh, điểm yếu của từng đơn vị vận chuyển. Sau đó rút ra kinh nghiệm với đơn hàng như thế nào, vị trí ra sao thì nên chọn.
Với kinh nghiệm tiếp nhận và xử lý hàng trăm đơn hàng mỗi ngày, CEO chuỗi cửa hàng đồ làm bánh Beemart Tống Thị Ngọc Ánh chia sẻ: “Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm có lợi thế với các đơn hàng giao trong nội thành Hà Nội và TP.HCM, mức chi phí hợp lý, nhanh và tiện. Trong khi đó, với các đơn hàng đi tỉnh, Beemart lại phân loại chủ yếu sử dụng dịch vụ của Shipchung, ViettelPost và VNPost để đảm bảo họ có mạng lưới vận chuyển rộng khắp, về các địa phương với chi phí vận chuyển tối ưu nhất và đảm bảo tốt cho hàng hóa”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tuân, với kinh nghiệm hơn 4 năm kinh doanh sản phẩm cặp túi da chia sẻ, ban đầu các chủ shop cần thăm dò các dịch vụ vận chuyển, dùng tất cả các bên rồi rút ra bên nào làm tốt nhất để dùng.
Ngoài ra, phải chuẩn bị sẵn 2-3 bên dịch vụ vận chuyển khác để dự phòng, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một đơn vị, rất nguy hiểm.
Hiện nay cũng có thêm các dịch vụ giao hàng nhanh từ các ứng dụng như GrabExpress, GoSend hay tìm đến các shipper tự do trên các group, mạng xã hội cũng là những dịch vụ vận chuyển nội thành tốc độ, phù hợp.
“Một điểm lưu ý nữa khi lựa chọn các đơn vị vận chuyển là ngoài yếu tố về giá thành, thời gian giao hàng, các chủ shop cũng nên quan tâm cả khả năng phối hợp khi xử lý các sự cố và khiếu nại”, bà Tống Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Dùng đa dạng các dịch vụ vận chuyển cũng là một trong những cách để tối ưu chi phí và linh hoạt, chủ động hơn trong vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, nhưng trên thực tế, mỗi bên lại có hệ thống theo dõi riêng biệt, cách tính phí vận chuyển và phụ phí riêng, thời gian đối soát cũng không giống nhau.
Điều đó khiến các shop phải đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực hơn để lựa chọn cũng như quản lý cùng lúc đơn chuyển từ các hệ thống khác nhau nếu dùng nhiều bên dịch vụ.
Việc lựa chọn được các nhà vận chuyển tối ưu sẽ giúp doanh nghiệp “nhẹ gánh” trước số lượng đơn hàng lớn
Hiện nay, để giải quyết một phần bài toán này, các hệ thống trung tâm xử lý đơn hàng tích hợp các bên vận chuyển cũng phát triển khá mạnh. Các chủ shop chỉ cần ký hợp đồng với một bên để sử dụng nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau.
Tuy nhiên, các bên vận chuyển này cũng đang chỉ làm tốt 1/3 khâu giữa của quá trình hoàn tất đơn hàng mà chưa có sự móc nối với quy trình nhận đơn hàng và quản lý doanh thu, lãi lỗ sau đó.
Chính vì thế, các đơn vị vận chuyển đang có xu hướng bắt tay với nền tảng quản lý bán hàng để thống nhất về quy trình từ lúc nhận đơn hàng, đẩy đơn tự động sang vận chuyển và đối soát giữa hai hệ thống một cách nhanh chóng, thông suốt hơn rất nhiều.
Vũ Ngọc Mai