P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh Facebook và YouTube, hiện nay, Việt Nam đã có 455 mạng xã hội được cấp phép, trong đó 6 tháng đầu năm nay đã có 48 giấy phép.
Trong số những mạng xã hội đó, Zalo và Mocha hiện đang hoạt động khá tốt. Hai mạng xã hội này minh chứng một điều, thị trường mạng xã hội “Made in Vietnam” đang hoạt động tốt trước các đối thủ lớn như Google hay Facebook. Vậy ngoài Mocha và Zalo, các mạng xã hội khác hiện ra sao?
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) công bố vào đầu năm 2019: Zalo có gần 47 triệu người dùng với thời gian sử dụng là 2,12 giờ/ngày. Nếu kê khai chi tiết, hiện nay mỗi ngày, trên Zalo, người dùng gửi và nhận gần 1 tỷ tin nhắn, 50 triệu phút gọi và 45 triệu tấm hình. Với kết quả này, tại Việt Nam, Zalo chỉ đứng sau Facebook với thời gian sử dụng 3,55 giờ/ngày và 60 triệu người dùng và YouTube là 2,65 giờ/ngày với 50 triệu người dùng. Tuy nhiên, thông tin từ phía Zalo lại cho biết, ứng dụng này đã đạt trên 100 triệu người tải về và đăng kí sử dụng, vượt mặt cả Facebook.
Xuất phát điểm là một ứng dụng OTT về truyền thông (nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet) 7 năm trước, Zalo giờ đây đã trở thành “siêu ứng dụng” với hàng loạt tính năng và dịch vụ như: Shopping, gọi xe, đặt thức ăn, tin tức, dịch vụ ngân hàng, cổng thanh toán, game…
Ngày 18/4/2018, Mocha đưa vào hoạt động kho video với khả năng tạo ra cho cả người đăng và người xem. Đây là cách Mocha muốn tạo ra kho nội dung số giải trí đặc sắc gồm Video, phim ảnh, âm nhạc… bên cạnh các chức năng gọi điện, nhắn tin, video call miễn phí.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.
Đại diện Gapo vừa công bố mạng xã hội dành cho giới trẻ đã cán mốc 2 triệu người dùng sau chưa đầy hai tháng ra mắt. Trong đó có trên 1 triệu người dùng thuộc nhóm tuổi học sinh trung học và sinh viên. Mạng xã hội được phát triển bởi Công ty CP Công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC.,) cũng nhiều lần liên tiếp đứng hàng đầu về lượt tải trên App store và CH play.
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã chọn Gapo là kênh phát hành sản phẩm mới, chia sẻ thông tin, kết nối người hâm mộ, cho thấy Gapo được đón nhận và trở thành phương tiện giao lưu, kết nối được giới trẻ yêu thích hàng đầu hiện nay.
Hahalolo, một mạng xã hội “Made in Vietnam” chuyên về du lịch ra mắt ngày 10/6/2019. Hahalolo bị phản ứng ngay sau sự kiện ra mắt vì những tuyên bố bị cho là nhằm PR, đánh bóng gây chú ý, là sẽ đạt 2 tỉ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán tại Mỹ vào năm 2025, cạnh tranh trực tiếp với Facebook.
Với phương châm “Nội dung là vua” và khoản vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, Lotus lựa chọn phát triển theo định hướng “lấy nội dung và trải nghiệm người dùng”. Lotus được đầu tư và phát triển bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó tổng giám đốc VCCorp, khẳng định: “Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng”.
Còn theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, không giống như những nền tảng sẵn có trên thị trường, dự án Lotus chọn cho mình một hướng đi khác biệt mà trong đó, những nội dung (content) chất lượng được đưa lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng bày tỏ kỳ vọng về Lotus sẽ “thành công để gây cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đang dấn thân Make In Vietnam, tạo ra sản phẩm công nghệ Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu”.
Theo ông Hùng, “mạng xã hội Lotus là sự gặp nhau của những người làm công nghệ khát khao một mạng xã hội đời mới, cách tiếp cận mới, công nghệ mới, đáp ứng những nhu cầu mới và những nhà đầu tư Việt Nam có khát vọng Việt Nam hùng cường, kết hợp với chương trình Make In Vietnam của Chính phủ”.
Trang Lê
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư