P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Với hơn 93 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia) với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ của Việt Nam có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020.
Xu hướng các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, trong đó chủ yếu theo con đường nhượng quyền. Đến nay, đã có hàng trăm thương hiệu được nhượng quyền. Năm 2017, có 31 công ty nước ngoài đăng ký nhượng quyền ở Việt Nam. Các công ty này chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng…
Với chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư kinh doanh, Việt Nam luôn thúc đẩy các nhãn hiệu ngoại tìm đến gia nhập thị trường. Theo đó, nhiều mô hình kinh doanh mới cũng dần xuất hiện tại thị trường Việt từ sản xuất đến các dịch vụ, đào tạo, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép, thời trang, các chuỗi nhà hàng ăn uống…
Bên cạnh đó, hiện tại lĩnh vực cửa hàng tiện lợi đang thu hút nhà đầu tư. Đây là cơ hội cho các nhãn hiệu bán lẻ tiếp cận vào thị trường Việt. Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị thì hiện nay phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn trong, ngoài nước. Đến nay, đã có hàng ngàn cửa hàng tiện lợi đang hoạt động khắp cả nước, trong đó tập trung hùng hậu nhất tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Yun Ju Yong, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, tại thị trường Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu bán lẻ nào nhượng quyền theo xu thế. Hiện bán lẻ mới chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chứ chưa có một thương hiệu nào được thực hiện nhượng quyền.
Trong khi, ở Hàn Quốc GS25 là nhà bán lẻ đang vận hành khoảng 14.000 cửa hàng tiện lợi, trong số này có tới trên 80% là cửa hàng vận hành theo mô hình nhượng quyền.
Theo dự báo, mô hình nhượng quyền cửa hàng tiện lợi sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, bởi chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về khả quan hơn là tự đầu tư, nhờ được vận hành tập trung, đồng nhất bởi một thương hiệu, nên dễ thu hút người tiêu dùng.
Hiện, ông Yun Ju Yong cho rằng, GS25 đang muốn triển khai mô hình nhượng quyền ở Việt Nam. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt nhất trong các nước ASEAN và dư địa của thị trường bán lẻ vẫn còn rất lớn là điều kiện sẽ mang lại cơ hội tốt.
Dù vậy, theo phân tích của chuyên gia, các mô hình nhượng quyền tại Việt Nam phần lớn vẫn chủ yếu được vận hành theo cách truyền thống mà chưa có ứng dụng số vào khâu quản lý. Từ đó khiến cho việc kiểm soát và điều chỉnh chi phí vận hành gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều chuỗi thương hiệu, sau nhượng quyền hoạt động chưa hiệu quả, dẫn tới thua lỗ và phải rút khỏi thị trường.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Tổ chức Retail & Franchise Asia, hiện nay trên 90% mô hình nhượng quyền ở Việt Nam đang được vận hành theo cách truyền thống chứ chưa áp dụng công nghệ số.
Trong điều kiện kinh doanh hiện tại, bà Vân cho rằng doanh nghiệp muốn thực hiện nhượng quyền nên thay đổi góc nhìn, đưa công nghệ vào vận hành, có như vậy mới mong không bị thị trường đào thải. Bán lẻ nhượng quyền ngày nay không thể lấy mô hình truyền thống nữa. Ở các nước tiên tiến họ đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo (AR)… vào vận hành rất thành công trong các mô hình nhượng quyền.
Ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Do vậy, việc thay đổi để theo kịp xu thế cũng là chuyện cần làm ngay trong thời điểm này.
Lê Mây
Nguồn: VN Economy