P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Thời chưa có mạng xã hội làm phương tiện chia sẻ ảnh, chúng ta rửa ảnh treo lên tường nhà hoặc để bàn. Chúng ta muốn được ngắm nhìn. Chụp ảnh selfie chính là hình thức hiện đại mà công nghệ cung cấp, nhằm thỏa mãn nhu cầu về bản thân mình và người khác: được ngắm nhìn.
Nhà văn Milan Kundera viết trong Đời nhẹ khôn kham rằng chúng ta ai cũng cần có người nhìn lên mình, tùy theo cách ta mong ước. Người muốn được số đông nhìn thấy, người muốn đứng giữa những người thân quen, người muốn hiện diện trước mắt người mình yêu thương, cuối cùng, thuộc số hiếm là những người “sống trong đôi mắt tưởng tượng của người vắng mặt”.
Nhà triết học người Pháp Edgar Morin trong cuốn Phương pháp 5 đã dẫn lời triết gia Rousseau rằng “nhu cầu được người khác ngắm nhìn chính là để mình hiện hữu đầy đủ với tư cách con người”.
Ông Morin nói thêm rằng trong quan hệ với người khác, nhu cầu tự khẳng định của cái tôi cá nhân là nhu cầu rất căn bản, đi liền với nhu cầu công nhận người khác.
Chúng ta selfie liên tục, muốn được ngắm nhìn liên tục. Ngay cả những nhân vật vốn có sẵn danh tiếng và thành tựu cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn này.
Thật ra chúng ta cần người khác nhiều hơn chúng ta tưởng. Cái nhìn của người ngoài khiến ta cảm thấy chắc chắn về tồn tại của mình. Chính vì lẽ đó, ngoài sự tồn tại vật chất, chúng ta còn mong ước sự tồn tại trong con mắt người khác nữa.
Những ảnh chân dung không đơn giản chỉ là vật chất trên tường hay các điểm ảnh trên wall, mà còn là bằng chứng xác nhận hiện thực cho bản ngã. Đó là cách rõ nhất và đầy thuyết phục khiến ta cảm thấy bản thân mình thực, như David R. Loy dùng trong Tiền, tình dục, chiến tranh, nghiệp. Càng được nhiều lượt like, comment, ta càng cảm thấy mình thực hơn.
Hãy nhìn những nhân vật nổi tiếng xuất hiện các phương tiện truyền thông. Điều gì khiến họ trở nên đáng khao khát nếu không phải là hàng ngàn, hàng triệu con mắt chiếu lên họ, hay hàng ngàn lượt like, comment xoay quanh họ?
Sự quan tâm tập thể nuôi dưỡng ý thức bản ngã của ta. Đối lập lại là lãng quên, một tình trạng vô danh tính, gần như là cái chết. Chúng ta chỉ biết mình thông qua người khác, như Rousseau nói ở trên, ta hiện hữu đầy đủ với tư cách con người.
Nhưng giống việc sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ tiền, ta cũng sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ thực. Thế nên ta cứ selfie mãi không chán. Như thể là: ta selfie, ta tồn tại!
Trong cuốn Tiền, tình dục, chiến tranh, nghiệp, Giáo sư, thiền sư David R. Loy lấy ý niệm sự trống rỗng của bản ngã để giải thích cho cảm giác thiếu thốn, bất toại nguyện triền miên ẩn sâu nơi nội tâm con người.
Theo đó, vì tận cùng bản thể mỗi người là trống rỗng, chúng ta luôn cảm thấy cần điểm tựa để bám vào. Chúng ta bị thôi thúc phải làm gì đó, nhằm lấp đi khoảng trống trong chính mình, bằng những mục tiêu dài hạn như theo đuổi danh tiếng, sự nghiệp, tìm kiếm tiền bạc, tình yêu, tình dục, hay bằng những hoạt động nhất thời như đọc tin tức, giải trí, mua sắm, lên mạng, selfie để được ngắm nhìn.
Dường như ai trong chúng ta cũng từng kinh nghiệm chút hương vị trống rỗng, thiếu thốn này. Nhưng đó là cảm giác hụt hẫng khó chịu, nên ngay lập tức chúng ta phản ứng bằng cách bận tâm với môi trường xung quanh, chộp lấy điện thoại, mở tivi, đọc báo, suy nghĩ về những chuyện đã qua, lập kế hoạch…
Vậy, xuất phát từ một trung tâm trống rỗng nơi tâm khảm, cái tôi – bản ngã liên tục làm đầy chính nó. Nó không chịu nổi trạng thái không có gì. Nó cần nội dung để hiện thực hóa chính nó.
Nói cách khác, bởi chúng ta vốn là một khoảng trống, chúng ta không chịu nổi trạng thái hư vô, nên cần người khác để hiện thực hóa bản thân mình. Người khác như là tấm gương để ta soi vào, tin rằng mình tồn tại. Và selfie là cách nhanh nhất có thể thoả mãn nhu cầu này.
Mỗi tấm ảnh selfie treo trên tường Facebook, Instagram, Zalo nghĩa là ta đang được ngắm nhìn, rất cụ thể và rõ ràng bằng like, comment. Càng nhiều tương tác càng tăng tính hiện thực cho bản ngã.
Ảnh selfie chính là biểu tượng hiện thực cho người trong ảnh.
Quốc Trương
Nguồn: Tuổi Trẻ Online