P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Tuy nhiên cho đến nay, các nỗ lực này vấp phải nhiều cản lực do chi phí cao và gây bất tiện cho người dùng.
Hai tên tuổi khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng Unilever và Nestlé đang cố gắng sử dụng nhựa ít hơn trong hoạt động đóng gói sản phẩm bằng cách chuyển sang các chất liệu khác cũng như thuyết phục người tiêu dùng dùng các chai, bình nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần.
Tuy nhiên, việc chuyển sang sử dụng giấy và thủy tinh để đóng gói sản phẩm cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường, trong khi đó mô hình kinh doanh refill (khách hàng mang chai lọ cũ đến nơi bán để được sang chiết sản phẩm như xà bông, nước rửa chén, nước lau kính…) có chi phí cao và bất tiện. Các nỗ lực này cho đến nay chỉ được thực hiện ở quy mô rất hạn chế.
Richard Slater, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Unilever cho rằng nỗ lực cắt giảm sử dụng nhựa đòi hỏi sự sáng tạo lớn.
Unilever, chủ sở hữu nhãn hàng Dove, gần đây cam kết giảm sử dụng 100.000 tấn nhựa trong hoạt động đóng gói sản phẩm vào năm 2025 bằng mô hình refill và sử dụng chai sản phẩm nhỏ hoặc các chất liệu đóng gói thay thế.
Hồi tháng 7, tập đoàn này cũng ra mắt sản phẩm dung dịch lau chùi bếp cô đặc Cif loại trong chai nhỏ để pha loãng với nước đựng trong một bình xịt lớn có thể tái sử dụng nhiều lần. Sáng kiến giúp giảm 75% lượng nhựa để sản xuất các bình xịt Cif sử dụng một lần nhưng mới chỉ áp dụng ở Anh.
Các tập đoàn hàng tiêu dùng cũng đang tìm cách cắt giảm tiêu thụ nhựa nguyên sinh để thu hút người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường hoặc để rào đón trước và tuân thủ các quy định quản lý.
Unilever đặt mục tiêu giảm sử dụng 50% lượng nhựa nguyên sinh vào năm 2025, trong khi đó Procter & Gamble (P&G) đưa ra cam kết tương tự nhưng mốc mục tiêu là năm 2030. Hãng bánh kẹo Mars (Mỹ) và Tập đoàn nước giải khát PepsiCo cũng đưa ra các mục tiêu giảm sử dụng nhựa này.
Nhà phân tích Richard Freundlich ở Ngân hàng Rabobank cho rằng để làm được như vậy, các công ty này sẽ phải chuyển sang sử dụng nhựa tái chế nhưng nguồn cung nhựa tái chế hiện nay không theo kịp với nhu cầu đang tăng vọt. Do vậy, họ sẽ phải tìm thêm các phương án khác. Một trong những phương án đó là thu lại các chai, hộp đựng sản phẩm để tái sử dụng.
Trong mùa hè vừa qua, Công ty tái chế TerraCycle đã ra mắt một dịch vụ có tên gọi Loop ở New York và Paris để bán những sản phẩm như xịt khử mùi dành cho nam giới Axe của Unilever, kem Häagen-Dazs của Nestlé hay dầu gội Pantene của P&G dựng trong các chai, lọ, hộp… được thiết kế chắc chắn để hoàn trả và nạp đầy trở lại sau khi sử dụng hết.
Tuy nhiên, lượng khách hàng hưởng ứng dịch vụ này vẫn còn hạn chế. Loop tính phí giao hàng cố định 15 đô la cho đơn hàng dưới 100 đô la và buộc họ phải đặt cọc đến 10 đô la. Khách sẽ không được hoàn trả số tiền cọc nếu làm vỡ, làm mất hay giữ lại các chai, lọ, hộp này sau khi dùng xong.
Các nhà phân tích cho rằng mô hình kinh doanh đó chỉ nhắm đến khách hàng giàu có, vì vậy rất khó nhân rộng.
TerraCycle cho biết về lâu dài, khi các chi phí giảm xuống, công ty sẽ bắt tay với các cửa hàng bán lẻ khác để triển khai dịch vụ Loop.
Tại Brazil, Coca-Cola đang đầu tư 25 triệu đô la để ra mắt loại chai nhựa đựng các loại nước giải khát có thể tái sử dụng 25 lần.
Cuộc khảo sát của Global Date hồi tháng 8 cho thấy 71% trong số 2.000 người tiêu dùng được hỏi ở Anh cho biết họ sẽ mua thực phẩm từ một cửa hàng kinh doanh theo mô hình refill nếu phương án này được triển khai. Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ khách hàng trẻ thuộc nhóm tuổi 16-24 ủng hộ mô hình refill ở mức lớn hơn gấp hai lần so với những nhóm khách hàng lớn tuổi hơn.
Curtis Rogers, một doanh nhân 38 tuổi ở TP. Austin, bang Texas, thường giặt áo quần bằng nước giặt Tide của P&G chứa trong chai nhựa cứng. Tuy nhiên, anh cho biết sẽ chuyển sang sử dụng bất kỳ thương hiệu nước giặt nào kinh doanh theo mô hình refill.
Tuy nhiên, mô hình refill vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi vì chi phí cao và nhiều bất tiện khác chẳng hạn làm sạch chai, lọ sau khi dùng xong rồi mang đến cửa hàng, chờ đợi sang chiết sản phẩm. Trong khi đó, sử dụng các chất liệu đóng gói thay thế cũng gặp phải những vấn đề khác, chẳng hạn giấy có thể bị rách trong quá trình vận chuyển. Các nhà sản xuất bao bì nhựa cho rằng sản xuất giấy sẽ tốn nhiều nước và năng lượng hơn so với sản xuất nhựa.
Khánh Lan
Nguồn: Saigon Times