P.3, Q. Gò Vấp, HCM
Thứ hai đến thứ bảy
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với TP HCM tại hội nghị công bố Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 4/1.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, TP HCM là đô thị toàn cầu; có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại – dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
GRDP bình quân đầu người vào năm 2030 theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD. Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú năm 2030 khoảng 11 triệu người, đến năm 2050 khoảng 14,5 triệu người.
Về giao thông, TP HCM được quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống đường bộ, sắt, thủy nội địa, cảng biển, hàng không và sân bay, giao thông tĩnh và cảng cạn. Hình thành các trục đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến Cần Giờ, trục kết nối ven biển phía Nam… Về đường sắt nghiên cứu bổ sung các tuyến tiềm năng, phát triển đường sắt khổ mới và 12 tuyến đường sắt đô thị.
Theo thủ tướng, bản quy hoạch đã thể hiện rõ sự nỗ lực rất lớn về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận và giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nhân lực, nguồn lực hiện tại của TP HCM. Vấn đề còn lại là thực hiện quy hoạch để tạo ra của cải, vật chất, sản phẩm cụ thể để người dân phải là chủ thể được hưởng thụ.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng quy hoạch tốt sẽ mang lại những nhà tư vấn tốt, dự án tốt, nhà đầu tư tốt và mang lại sự phát triển tốt cho TP HCM. Điều quan trọng nhất là quy hoạch phải huy động sức mạnh tổng hợp của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế. “Muốn huy động được thì quy hoạch phải phù hợp chiến lược phát triển của họ, xu hướng toàn cầu hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, chuyển đổi số, điện toán đám mây…”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao việc TP HCM đã hoàn thành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trên cao và cả đi ngầm, đã được người dân phấn khởi đón nhận. Ông đề nghị thành phố cần tiếp tục khai thác không gian ngầm này.
“Tôi có trao đổi với anh Phạm Nhật Vượng về việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Anh ấy cũng đồng tình và bày tỏ rất tâm huyết”, Thủ tướng nói và gợi ý thành phố nên giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn để tạo thêm các động lực, nguồn lực mới thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị TP HCM mạnh dạn thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách, nhất là đối với các dự án có tính chất động lực như: trung tâm tài chính quốc tế, cảng Cần Giờ, giao thông kết nối giữa Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, mạng lưới đường sắt đô thị theo hướng đầu tư tập trung, không dàn trải.
“Quan trọng là chúng ta có cơ chế chính sách để nhà đầu tư làm, giúp huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho sự phát triển từ công đến tư nhân, trực tiếp hay gián tiếp. Mục tiêu phải có 5 triệu tỷ đồng để đầu tư thành phố phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng gợi ý TP HCM nhanh chóng có Cung triển lãm quy hoạch để minh bạch tất cả thông tin quy hoạch, công bố danh sách các dự án. Điều này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Bởi nhà đầu tư đến TP HCM khi tham quan Cung triển lãm quy hoạch sẽ biết được định hướng phát triển không gian ngầm, không gian biển… của thành phố. Định hướng phát triển các trung tâm đô thị, nông thôn ra sao…
“Nhà đầu tư sẽ thấy ngay tầm nhìn, khát vọng của thành phố mà không cần phải gặp lãnh đạo. Từ đó, họ đối chứng với mục tiêu phát triển của mình để cùng tham gia, đầu tư với thành phố”, Thủ tướng nói và cho rằng đây cũng là cách mà các địa phương trên thế giới thực hiện để các nhà đầu tư được tiếp cận dễ dàng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết các dự án trọng tâm trong kỳ quy hoạch bao gồm: xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài, Vành đai 2, 3, 4 và 4 cây cầu lớn (Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2). Đồng thời, thành phố cần đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, TP HCM – Cần Thơ, 7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội, Phú Thuận.
Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, TP HCM ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức. Địa phương cũng tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp như: Phạm Văn Hai I, II, An Phú và cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới sơn B, nhà máy điện LNG Hiệp Phước, trung tâm công nghệ sinh học quốc gia.
Ở lĩnh vực đô thị, TP HCM ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới – Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Một số dự án lớn khác còn có trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng…
Để thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch TP HCM cần thực hiện 7 giải pháp chính về: huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn.
Theo VnExpress