Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định một số chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt và chế độ cho người lao động tại các cơ sở này.
Tại Điều 20, Bộ Quốc phòng đề xuất trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước, mức tiền lương tối đa theo tháng của chuyên gia là 70 triệu đồng; nhà khoa học đầu ngành là 180 triệu đồng và tổng công trình sư là 220 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả lương, thưởng trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư. Mức thù lao được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc chi phí này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và bổ sung vào quỹ tiền lương của doanh nghiệp.
Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và tổng công trình sư được ưu tiên giao thực hiện chương trình, đề án khoa học và công nghệ về phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; được xem xét, bổ nhiệm vào vị trí việc làm tương xứng với năng lực, nhiệm vụ được giao.
Họ được bố trí nhà ở công vụ hoặc phương tiện đi lại trong trường hợp chưa sở hữu nhà ở cá nhân hoặc nơi ở cách đơn vị công tác trên 30 km; được ưu tiên thuê và hỗ trợ tiền thuê nhà công vụ (mức hỗ trợ bằng hai lần mức lương tối thiểu vùng) hoặc vay tiền mua nhà trả góp theo bảo lãnh của cơ quan; được ưu tiên xem xét đi tham quan, nghỉ dưỡng ở nước ngoài cùng với phu nhân (phu quân).
Hiện nay, thuê chuyên gia theo hình thức hợp đồng dịch vụ hoặc các hình thức khác phải căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật về mức lương chuyên gia như Thông tư số 02/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo đó, mức lương tối đa chi trả cho thuê chuyên gia trong nước dao động 15-40 triệu đồng/tháng. “Mức lương này không đủ hấp dẫn để thu hút, thuê chuyên gia giỏi thực hiện các dự án, nhiệm vụ đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh”, Bộ Quốc phòng nêu.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất mức lương cạnh tranh cho chuyên gia, tương đương với mức thu nhập của các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tại các doanh nghiệp. Với mức lương từ 70 đến 220 triệu đồng, Bộ Quốc phòng tin tưởng sẽ thu hút được nhiều nhân tài, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Theo Quyết định số 2057/2011 của Thủ tướng, cả nước có 79 cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, trong đó có 64 cơ sở là doanh nghiệp và 15 cơ sở không phải doanh nghiệp. Các đơn vị này cơ bản đủ năng lực để từng bước phát triển và làm chủ công nghệ, nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.
Tuy nhiên, một số cơ sở nòng cốt chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chưa có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích hoạt động trong lĩnh vực vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi. Chính sách về tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực cao, chuyên gia, cán bộ đầu ngành mang nặng tính bình quân, chưa tạo được sức hút.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Trong đó có ưu đãi về xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm vật tư thiết bị cho nghiên cứu, chế tạo; ưu đãi nhiều loại thuế, phí và khoản vay. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được tạm ứng đến 70% giá trị hợp đồng sản xuất quốc phòng, an ninh. Với vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, các cơ sở được tạm ứng đến 80% giá trị hợp đồng.
Theo VnExpress